TPHCM cần hơn 80.000 lao động, chủ yếu tuyển người có tay nghề
(Dân trí) - Dự báo trong quý IV/2024, các đơn vị trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển dụng khoảng 78.000-83.000 chỗ làm việc.
Mới đây, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã có báo cáo thị trường lao động quý III và dự báo nhu cầu nhân lực quý IV năm 2024 tại thành phố.
Trong quý III, Falmi đã tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của 19.405 lượt doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc của 42.120 người lao động.
Từ kết quả khảo sát trên, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi đánh giá: "Trong 9 tháng đầu năm 2024, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt nhằm thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Điều đó đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần làm cho thị trường lao động trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm ấm dần lên với những bước phục hồi và phát triển".
Theo bà Hoàng Hiếu, với những điểm sáng của nền kinh tế cũng như của thị trường lao động 9 tháng đầu năm, cùng với nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong dịp tết đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong quý IV/2024.
Do đó, Falmi dự báo thị trường lao động 3 tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục phục hồi và phát triển mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Trên cơ sở kết quả khảo sát cung cầu lao động, Trung tâm dự báo trong quý IV/2024, các đơn vị trên địa bàn thành phố cần 78.000-83.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2024 vẫn tập trung tuyển dụng ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần 12.000-13.000 chỗ làm việc, chiếm hơn 15% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành cơ khí vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 6,67% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng 47.000-50.000 chỗ làm việc, chiếm gần 61% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,24% tổng nhu cầu nhân lực.
Về trình độ, các doanh nghiệp cần khoảng 68.000-77.000 lao động đã qua đào tạo, chiếm hơn 87% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,66%; cao đẳng chiếm 22,56%; trung cấp chiếm 24,77%; sơ cấp chiếm 19,47%.
Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần khoảng từ 9.800-10.500 chỗ làm việc, chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,54% tổng nhu cầu nhân lực.
Bà Hoàng Hiếu khuyến nghị: "Để thị trường lao động phát triển bền vững, đảm bảo sự phát triển tốt cho doanh nghiệp, ổn định cuộc sống cho người lao động, thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp".
Đồng thời, Falmi cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.