1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất

(Dân trí) - Lao động tự do tại Nghệ An phấn khởi khi nghe tin sẽ được hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi băn khoăn với tiêu chí thu nhập dưới 1,3 triệu đồng/tháng.

Lao động tự do Nghệ An mong nhận được sự hỗ trợ vượt qua dịch Covid-19

Hồi hộp ngóng hỗ trợ

Hơn 20 năm nay, bà Lại Thị Mai (SN 1950, trú phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) sống nhờ vào gánh hàng rau ở gần khu vực chợ Vinh. Chồng bà Mai là ông Phan Thanh Bình (SN 1946) lái xe ôm. Hai ông bà thuê trọ tại khối 6, phường Hồng Sơn để sinh sống và mưu sinh.

Khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, gánh hàng rau của bà Mai và tiền lái xe ôm của ông Bình đủ để hai vợ chồng sống một cách tằn tiện. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, ông Bình không chạy xe ôm được nữa, trong khi đó, việc buôn bán của bà Mai cũng ế ẩm.

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất - 1

Bản thân bán hàng rong, chồng làm xe ôm, bà Lại Thị Mai rất mong ngóng khoản hỗ trợ dành cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nghe tin Chính phủ sẽ hỗ trợ cho lao động tự do, trong đó có buôn bán nhỏ lẻ và xe ôm như vợ chồng mình, bà Mai mừng lắm.

“Trong lúc khó khăn dịch bệnh, được Chính phủ hỗ trợ cho thì còn gì bằng nữa. Nếu hỗ trợ mỗi người 1 triệu/tháng, hai vợ chồng là 2 triệu, cũng giúp hai vợ chồng già chúng tôi bớt khó khăn trước mắt”, người phụ nữ mưu sinh bằng gánh hàng rong này khấp khởi mừng.

Không có ruộng, ông Lê Đức Thắng (SN 1956, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) xuống chợ Vinh hành nghề đạp xích lô chở hàng thuê.

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất - 2
Ông Thắng phấn khởi khi hay tin người làm nghề lái xích lô chở hàng sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Trung bình mỗi ngày ông Thắng có thể kiếm được từ 100.000-150.000 đồng, ngày nào may mắn có thể kiếm được gần 300.000 đồng. Dịch Covid-19 bùng phát, hàng quán buôn bán lớn trong chợ đóng cửa, khách thuê chở ít hơn hẳn nên thu nhập của ông Thắng bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Nghe tin Chính phủ sẽ hỗ trợ cho người lái xe xích lô chở hàng tôi mừng lắm. Mong nhanh được nhận khoản tiền này”, ông Thắng nói.

Tương tự, bà Phạm Thị Lan (phường Vinh Tân, TP Vinh) cũng đang mong ngóng khoản hỗ trợ của Nhà nước. Công việc khâu giày dép ở cổng chợ Vinh nếu may mắn có thể giúp bà mỗi ngày 60.000-100.000 đồng, đủ chi trả cho mức sống tối thiểu của hai bà cháu.

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất - 3

Bà Phạm Thị Lan mừng vì lao động tự do sẽ được hỗ trợ nhưng băn khoăn không biết bản thân phải đến đâu, làm gì để được hỗ trợ hay đợi cơ quan chức năng đến khảo sát, thu thập thông tin.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là thời điểm thực hiện cách ly xã hội, chợ Vinh đóng cửa, có ngày bà Lan không kiếm nổi 50.000 đồng, thậm chí có ngày không kiếm được đồng nào.

Nghe ở đâu có chương trình từ thiện là bà tìm đến bởi lúc này, đối với hai bà cháu vài gói mì tôm hay cân gạo là cả một vấn đề.

“Mấy ngày nay nghe trên ti vi nói Nhà nước sẽ hỗ trợ cho lao động tự do mà mừng. Nhưng chưa thấy ai đến thống kê tìm hiểu, mà chúng tôi cũng không biết đến đâu để khai. Nếu được hỗ trợ thì tốt quá”, bà Lan cho hay.

Cần sự tập huấn kỹ hơn

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Lam - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Vinh (Nghệ An) cho biết, đến thời điểm này TP Vinh chưa triển khai rà soát, thống kê đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ do chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh.

Tương tự, theo ông Trần Thanh Minh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Cửa Lò, địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở LĐ-TB&XH để rà soát, thống kê đảm bảo đúng đối tượng.

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất - 4

Bà Hoàng Thị Thu Hằng, cán bộ chính sách - lao động - xã hội phường Vinh Tân (TP Vinh).

Theo rà soát sơ bộ của cán bộ chính sách lao động phường Vinh Tân (TP Vinh), trên địa bàn phường có khoảng 8.000 lao động tự do, trong đó, sẽ có khoảng 5.000 lao động thuộc đối tượng cần phải hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Tuy nhiên để rà soát đúng đối tượng đảm bảo các điều kiện như quy định thì không đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian”, bà Hoàng Thị Thu Hằng, cán bộ phường Vinh Tân, cho hay.

Theo bà Hằng, lao động tự do thường làm không cố định ở một công việc cụ thể mà có thể sẽ liên tục thay đổi, do vậy để đối chiếu họ đúng tiêu chuẩn theo quy định là điều rất khó.

“Nếu áp dụng tiêu chí “có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo”, từ từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/người/tháng ở thành thị, thì tôi nghĩ rất khó cho người lao động", bà Hằng phân vân.

Tiêu chí 1,3 triệu đồng/tháng dành cho những lao động tự do khó khăn nhất - 5

Hiện lao động tự do tại Nghệ An đang mong ngóng khoản hỗ trợ của Nhà nước.

Theo phân tích của bà Hằng, các công việc như rửa bát thuê cho các cửa hàng ăn thì tiền công của lao động cũng trên dưới 100.000 đồng/ngày. Xe ôm, xích lô hay buôn bán nhỏ lẻ cũng vậy, thậm chí họ còn có thu nhập cao hơn.

Việc rà soát sẽ phụ thuộc vào kê khai của người dân và “tham chiếu” các điều kiện tiếp cận xã hội của đối tượng, đòi hỏi cán bộ chính sách phải trách nhiệm và linh động hơn.

Một băn khoăn nữa của cán bộ chính sách các phường xã là số liệu lao động tự do sẽ có biến động, việc chi trả hỗ trợ sẽ được thực hiện theo từng tháng hay chi trả 1 lần cho cả 3 tháng 4, 5, 6/2020 hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo bà Hằng, để đảm bảo rà soát đúng đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch về danh sách tại trụ sở UBND phường, xã. Đồng thời cần có hướng dẫn, tập huấn cụ thể của cấp trên và đặc biệt là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ khối xóm, như cán bộ các hội như: Hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, mặt trận tổ quốc...

Hoàng Lam