Nghệ An: Ưu tiên 3 nhóm đối tượng của NQ 42/NQ-CP được nhận hỗ trợ trước
(Dân trí) - Ba nhóm đối tượng trong NQ 42/NQ-CP được tỉnh Nghệ An ưu tiên hỗ trợ trước là người có công, bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền dự kiến hơn 660 tỷ đồng
Cần hơn 660 tỷ hỗ trợ 3 nhóm ưu tiên
Theo thống kê, thời điểm hiện tại Nghệ An có 70.579 đối tượng người có công và nhân thân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và 133.637 đối tượng bảo trợ xã hội.
Đến 31/12/2019 toàn tỉnh có 485.298 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trong đó số khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội hàng tháng là 8.767 khẩu.
Hiện tỉnh này đang phân loại từng đối tượng bởi có những trường hợp 1 đối tượng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau. Trong khi đó, theo Nghị quyết 42/NQ-CP, mỗi đối tượng chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An dự kiến tổng số kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo là 663,722 tỷ đồng.
Về việc xác định các nhóm khác trong Nghị quyết 42/NQ-CP, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có trên 12.000 doanh nghiệp nhưng hiện mới chỉ có 1.081 doanh nghiệp có báo cáo tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, có 258 doanh nghiệp với 10.342 lao động bị ảnh hưởng, gồm: 70 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 5.223 lao động tạm ngừng việc và 4.412 lao động phải nghỉ luân phiên, giảm thu nhập.
Theo Cục Thuế Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh gần 26.000 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. Riêng nhóm đối tượng này sẽ cần tới 80 tỷ đồng để hỗ trợ.
Thời điểm hiện tại, số lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương thống kê, rà soát, phân loại cụ thể.
Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng
Nghệ An thuộc nhóm các địa phương ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 50% kinh phí thực chi theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP, còn lại 50% kinh phí cân đối từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư.
Tránh bỏ sót đối tượng
Theo ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, để đảm bảo hỗ trợ không bỏ sót đối tượng, tinh cần quan tâm đến lực lượng lao động tự do ở nước ngoài trở về địa phương; hoặc đối tượng lao động tại Hợp tác xã nông nghiệp, HTX làng nghề; những hợp đồng thời vụ chỉ ký hợp đồng 1 tháng/lần...
Ngoài số tiền hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu tính thêm mức hỗ trợ cho các đối tượng còn lại thì tổng số kinh phí hỗ trợ tại Nghệ An lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An thì nguồn lực của tỉnh chỉ có thể cân đối được 220 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là cấp thiết trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Dù chưa đủ cơ sở để triển khai, tuy nhiên cần phải chuẩn bị các điều kiện để có thể triển khai ngay khi có hướng dẫn của Trung ương.
”Trong điều kiện của ngân sách tỉnh cần thực hiện đúng đối tượng trong Nghị quyết 42/NQ-CP, nếu có những đối tượng khác cần phải hỗ trợ thì nghiên cứu để có chính sách. Trước tiên, ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho 3 đối tượng đã được xác định và thực sự khó khăn là người có công với cách mạng và thân nhân; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèovà hộ cận nghèo”, ông Nguyễn Đức Trung cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở ngành liên quan, chính quyền các địa phương triển khai kịp thời Nghị quyết 42 trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đủ đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang tập trung nhân lực rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện để sẵn sàng hỗ trợ khi có nguồn kinh phí phân bổ từ Trung ương chuyển về.
Hoàng Lam