1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn"

Hoa Lê Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù có cải thiện, song năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Năng suất lao động tăng 2,7 lần

Phát biểu tổng kết diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái quát, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.

Thực hiện thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo giao lưu với các đại biểu (Ảnh: Sơn Nguyễn).

 Theo Tổng cục Thống kê, trong khoảng 10 năm qua, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động (năm 2011) lên 188,7 triệu đồng/lao động (năm 2023). Đây là mức tăng cao so với khu vực và năng suất lao động của Việt Nam đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong quý I, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cụ thể, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra (là 5,5%/năm).

Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, bối cảnh tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, như nhiều đại biểu đã nêu. Kinh tế thế giới gặp những "cơn gió ngược" cho sự phát triển.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nâng cao năng suất lao động  trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng năng suất lao động theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động, trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn - 3

Đại biểu tham dự trả lời câu hỏi của Thủ tướng tại diễn đàn (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.

Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.

Sáu là, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở; triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Đồng thời, Thủ tướng kỳ vọng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu công đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, phát triển kĩ năng nghề cho người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn - 4

Trao quà của Thủ tướng Chính phủ tặng 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chốt lại, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước, phát huy truyền thống của dân tộc, của đất nước "càng áp lực lại càng nỗ lực", huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng trao quà tặng 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước có năng suất lao động cao, có nhiều sáng kiến, thành tích trong lao động sản xuất.