TPHCM:
Thợ dịch vụ vệ sinh máy lạnh, máy giặt làm "không kịp thở" dịp Tết
(Dân trí) - Tại TPHCM, nhiều công nhân vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh, máy giặt phải tăng ca đến 11h đêm dịp cận Tết. Thậm chí, công nhân phải hẹn qua Tết không ít đơn hàng các vì không đủ sức làm kịp.
Làm việc gấp 4 lần ngày thường
Từ 5h sáng, anh Kim Hoàng Thương (34 tuổi, chủ cửa hàng sửa chữa điều hòa, tủ lạnh, máy giặt tại đường An Dương Vương, quận 8, TPHCM) đã phải thức giấc để lên kế hoạch và điều phối nhân viên làm việc.
Gần 10 năm làm nghề sửa chữa điện gia dụng, dịp Tết luôn là thời điểm "hái ra tiền" đối với anh Thương và công nhân. Do vậy, dù mệt nhưng ai cũng luôn vui vẻ.
"Những ngày cận Tết, tôi phải làm việc với công suất gấp 3-4 lần so với những ngày thường. Cửa hàng có 4 thợ mà vẫn làm không kịp cho khách. Tôi phải thuê thêm người làm nhưng vẫn không thể làm hết đơn hàng được", anh Thương chia sẻ.
Theo anh Thương, nhu cầu chính của khách đa số là vệ sinh máy lạnh, bơm gas,… Có những trường hợp phải hẹn khách từ 1-2 này mới làm được hoặc buộc phải từ chối khi khách yêu cầu làm gấp.
Vào những ngày cuối năm, cửa hàng anh Thương vệ sinh và bảo dưỡng khoảng 10 máy lạnh/ngày. Ngoài nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa máy lạnh của người dân thì nhu cầu lắp mới máy lạnh cũng tăng cao. Theo anh Thương, bình quân mỗi ngày anh nhận lắp mới từ 3-4 máy.
"Giá vệ sinh dịp Tết này thì không có chênh lệch nhiều so với những thời điểm khác trong năm. Trung bình vệ sinh thì 150.000 đồng/bộ và lắp đặt thì 300.000 đồng/bộ. Do đang trong thời điểm tăng cao nên công nhân thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng", anh Thương cho biết.
Cũng theo anh Thương, cái khó của nghề điện lạnh này là người thợ phải di chuyển nhiều nơi liên tục. Khi đến nhà của khách thì phải leo lên cao để có thể tiến hành vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh. Do vậy, nghề này cũng khá nguy hiểm và rủi ro. Nếu không cẩn trọng rất dễ bị té ngã dẫn đến bị thương.
"Nghề điện lạnh này có thu nhập ổn định nhất vào 2 thời điểm, đó là vào mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5 và vào những ngày cận Tết. Vào những lúc đó tất cả các thợ phải làm việc liên tục, phải thêm giờ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời thu nhập của anh em cũng được tăng theo", anh Thương tâm sự.
Khó khăn trong mùa dịch
Do đặc thù của nghề này là di chuyển nhiều nên các nhân viên trong cửa hàng của anh Thương cũng lo lắng về vấn đề sức khỏe, nhất là khi phải tiếp xúc nhiều với khách hàng.
"Tôi lúc nào cũng nhắc anh em đeo khẩu trang để giữ sức khỏe, hạn chế dịch bệnh để có thể ăn Tết bên gia đình. Nhưng cái khó là khi vệ sinh máy lạnh thì leo trèo nhiều nên dễ bị mệt. Khi đó đeo khẩu trang thì dễ làm nhân viên khó thở và cản trở công việc", anh Thương cho biết.
Theo anh Thương, năm nay nhu cầu làm vệ sinh máy lạnh giảm nhiều so với những năm trước. Năm ngoái, có những lúc anh phải điều động thêm hàng chục công nhân nhưng vẫn không đủ nhân lực làm việc. Tuy vậy, năm nay thì tình trạng quá tải chỉ diễn ra ở mức độ trung bình.
"Do ảnh hưởng của dịch, nên nhu cầu năm nay không nhiều bằng năm trước. Tuy vậy, mình và anh em công nhân vẫn phải tăng ca từ nay đến 30 Tết. Một số anh em ở xa thì 28 Tết sẽ về trước. Năm nay anh em vẫn có thu nhập cao dịp Tết nên chắc về quê sẽ vui hơn", anh Thương cho hay.
Mong muốn duy nhất hiện tại của anh Thương, chính là dịch Covid-19 mau qua đi để người dân có thể sinh hoạt, làm việc ổn định như trước. Vì như vậy, nhu cầu vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh sẽ tăng trở lại, các thợ điện lạnh sẽ có nguồn thu nhập cao hơn.