1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người làm giò me đặc sản "chạy nước rút" những ngày cận Tết

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với từ 30-40 tấn cung ứng cho thị trường Tết, nhân công các cơ sở sản xuất giò me Nam Nghĩa (Nghệ An) phải làm từ 3h sáng. Vào thời điểm giáp Tết, thợ gói giò có thể kiếm mỗi ngày nửa triệu đồng.

Mặc dù mới có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng giò me (giò bê) Nam Nghĩa (xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã xây dựng được thương hiệu và trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 1
Công đoạn sơ chế nguyên liệu để làm giò me.

Theo ông Nguyễn Trần Hán - Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa - xã có 5 cơ sở sản xuất giò me có quy mô lớn và 3 cơ sở sản xuất nhỏ, chưa kể các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong dân.

"Các cơ sở mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn hàng hóa, riêng vụ Tết mỗi cơ sở sản xuất từ 30-40 tấn giò. Các cơ sở này giải quyết việc làm cho gần 60 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, trong đó nhiều lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo cùng hàng chục lao động thời vụ khác", ông Nguyễn Trần Hán cho biết.

Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 2
Những ngày giáp Tết, nhân công tại các cơ sở sản xuất giò phải căng sức làm việc để gói 4-5 tạ nguyên liệu.

Giò me Nam Nghĩa được biết đến bởi hương vị đặc trưng khó lẫn, với thịt me tươi, mềm, ngọt và bí quyết riêng của mỗi cơ sở. Tiếng lành đồn xa, chỉ trong một thời gian ngắn, giò me trở thành thương hiệu hàng hóa của xã Nam Nghĩa và có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 3
Sau khi làm chín bằng nồi hơi, giò me được để nguội, lăn ép kỹ trước khi đưa vào kho lạnh và có thể sử dụng 1,5 tháng kể từ khi sản xuất.
Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 4
Với thịt bê non thơm, mềm, đặc trưng của giò bê Nam Nghĩa là thịt nguyên thớ, hoàn toàn không pha trộn loại thịt khác.

Từ đầu tháng 10 âm lịch, ngoài 6 lao động thường xuyên, cơ sở sản xuất giò me Lâm Ngọc phải thuê thêm 4-6 lao động thời vụ mới có thể kịp trả đơn hàng giò Tết cho khách. Từ 3h sáng, anh Lê Đình Lâm (xóm 4, xã Nam Nghĩa) đã bắt tay vào công việc. Nhiệm vụ của anh là lọc những phần thịt ngon của con bê, pha trộn các nguyên liệu cho vào máy trộn để tầm 7h nguyên liệu đã ngấm đều cho thợ gói.

"Nguyên liệu dùng để sản xuất giò phải là thịt từ con me (bê) non, thịt mềm, thơm, ngọt, đậm mùi bê và da mỏng, hoàn toàn không pha trộn thêm loại thịt khác. Thịt để sản xuất phải là thịt tươi, tức là sơ chế, tẩm ướp gia vị ngay sau khi mổ.

Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 5
Vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi cơ sở sản xuất cung ứng cho thị trường từ 30-40 tấn sản phẩm.

Để đảm bảo sự tươi ngon thì toàn bộ nguyên liệu phải được sản xuất trong 1 ngày, không để sang ngày thứ 2. Mỗi cơ sở sẽ có 1 bí quyết pha trộn gia vị riêng nhưng quy trình sản xuất, bảo quản... đều phải tuân thủ sự nghiêm ngặt của cơ quan quản lý trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - chủ cơ sở sản xuất giò me cho hay.

Sau 4 năm làm thợ gói giò, bà Nguyễn Thị Hương được nhiều người đánh giá là một trong những thợ gói nhanh và đẹp. Bà là lao động thường xuyên của một cơ sở sản xuất lớn tại Nam Nghĩa.

Công việc của bà thường bắt đầu từ 7h sáng, khi nguyên liệu đã được chuẩn bị xong xuôi. Tiền công gói giò được tính theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày bà Hương có thể kiếm được trên dưới 300 nghìn đồng.

Người làm giò me đặc sản chạy nước rút những ngày cận Tết - 6
Khách hàng đến tận nơi để mua giò me. Phần lớn sản phẩm của các cơ sở làm giò me được gửi xe ô tô đi các tỉnh, thành trong nước.

"Đợt Tết này lượng hàng nhiều hơn, nếu như ngày thường gói tầm 1-2 tạ thịt thì vụ Tết có những ngày phải gói đến 4-5 tạ. Chúng tôi ngồi từ 7h cho đến tầm 15-16h, làm việc cật lực mới xong, tiền công mỗi ngày 400-500 nghìn đồng", bà Hương bật mí về khoản thu nhập của mình.

Hiện, xã Nam Nghĩa đang xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất tiến tới xây dựng làng nghề sản xuất giò me để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.