Ngư dân tiết lộ cách “sống còn” duy nhất khi gặp dông lốc giữa biển
(Dân trí) - “Càng hoảng loạn, càng đuối sức. Khi tàu có dấu hiệu nghiêng, điều đầu tiên cần phải làm là chạy ra ngoài”, ngư dân Văn Tiên nói.
Hơn 9 năm theo nghề biển, anh Đặng Văn Tiên (27 tuổi, ngụ tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) không khỏi đau buồn mỗi khi biết tin tàu, thuyền bị lật giữa biển khơi.
Lướt mạng xã hội thấy tin vụ lật tàu chở 53 người trên vịnh Hạ Long, anh Tiên cảm thấy vô cùng xót xa và chỉ có thể nói ra câu “giá như”.

Tàu Vịnh Xanh QN-7105 bị lật trên Vịnh Hạ Long được lai dắt vào bờ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Anh Tiên chia sẻ hằng năm, bão thường xảy ra tại khu vực miền Nam từ tháng 8 kéo dài đến Tết, đỉnh điểm là vào khoảng tháng 8 và tháng 9. Riêng khu vực miền Bắc, thời điểm bão mạnh nhất thường xảy ra vào tháng 7.
“Với kinh nghiệm là dân biển, tôi khuyên khách du lịch cần cân nhắc thật kỹ trước khi có kế hoạch du lịch biển, đảo vào những thời điểm này. Mưa, bão có thể dự đoán nhưng dông lốc rất khó để dự đoán, cảnh báo trước. Khi đang ở giữa biển mà gặp dông lốc bất ngờ thì rất nguy hiểm bởi dông lốc thường đi kèm theo gió rất mạnh, sấm sét…”, anh Tiên nói.
Anh Tiên chia sẻ, một tuần trước khi có bão, dông lốc, thời tiết thường có 1 số dấu hiệu bất thường như mưa, gió to, sóng biển cao hơn bình thường.
“Trong trường hợp không may gặp bão, dông giữa biển, chúng tôi thường cố gắng điều khiển tàu sao cho không bị đánh úp và không bị cuốn vào tâm bão. Tuy nhiên, đối với tàu nhỏ, thời gian cầm cự cũng chỉ được 1-2 tiếng, thời gian càng lâu thì càng nguy hiểm”, anh Tiên cho hay.
Nam ngư dân bộc bạch những người không quen đi tàu, thuyền, không có kinh nghiệm sẽ khó xác định được thời điểm tàu nghiêng đạt mức đáng báo động và cần hành động ngay.

Anh Văn Tiên trong lần lặn biển đêm để đánh bắt hải sản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Để không bị tàu bất ngờ đánh úp và dìm xuống nước, cách tốt nhất là chạy ra khỏi mui tàu và tuyệt đối không chạy vào bên trong khi tàu có dấu hiệu nghiêng bất thường. Bởi khi tàu nghiêng, chúng ta cũng có thể bị đồ vật bên trong va đập. Khi đã chạy ra ngoài, cố gắng chịu ướt người một chút, bám trụ thật chắc để không bị hất văng khỏi tàu, chờ qua cơn dông”, anh Tiên bộc bạch.
Ngư dân khẳng định việc mặc áo phao là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự sống còn khi không may rơi xuống biển. Kể cả người biết bơi nhưng không có kinh nghiệm ứng phó với sóng to, gió lớn thì cũng bị chết đuối vì không có áo phao hỗ trợ. Vì vậy, du khách cần phải mặc áo phao trong suốt quá trình di chuyển trên biển.
“Khi rơi xuống biển, cần hết sức bình tĩnh, tìm những đồ vật nổi để bám trụ, chờ có tàu cá đi ngang qua hoặc cứu hộ đến. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp ngư dân rơi xuống biển, lênh đênh suốt 2 ngày nhưng vẫn chờ đến lúc được cứu vì giữ sự bình tĩnh. Mặc dù không ngoại trừ nguy cơ không cầm cự nổi do thể trạng yếu, bị sinh vật biển tấn công… nhưng việc bình tĩnh chắc chắn giúp cơ thể không bị đuối sức quá nhanh, tăng cơ hội sống sót”, anh Tiên chia sẻ thêm.
Nam ngư dân khuyên rằng nên tìm hiểu kỹ thông tin về thời tiết trước khi đi du lịch vào mùa bão. Nếu lỡ lên tàu nhưng sau đó phát hiện thời tiết xấu, du khách cần yêu cầu người quản lý cho tàu quay về bờ ngay lập tức.