1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quản lý cấp trung vừa vào làm đã tìm việc mới, có nên... mách sếp?

Hoài Nam

(Dân trí) - Vừa ký hợp đồng với Cty, một nhân viên quản lý cấp trung đã tìm việc khác. Lo ngại hưởng đến nhân viên, chị Nga, phụ trách nhân sự công ty phát hiện và băn khoăn không biết có nên báo sếp hay không.

Chị Phan Ngọc Nga, phụ trách nhân sự tại một công ty phân phối nhãn hàng ở TPHCM chia sẻ, bên chị vừa ký hợp đồng chính thức với một nhân viên quản lý cấp trung. 

Mới qua một tháng, chị Nga khá ngạc nhiên khi thấy người này đang tìm công việc khác, giới thiệu, gửi CV ở một vài nơi. Nhân viên mới vào rồi đi tìm việc khác là chuyện không mới, nhưng ở vị trí leader "mới vào đã muốn nhảy" thì giờ chị mới gặp lần đầu. 

"Tôi biết kiếm công việc khác là quyền của mọi người. Nhưng việc một quản lý nhóm lại công khai tìm việc mới ít nhất cũng ảnh hưởng đến nhân viên do chị ấy quản lý và các đồng nghiệp khác. Tôi không biết có nên báo với sếp hay không?", chị Nga băn khoăn. 

Quản lý cấp trung vừa vào làm đã tìm việc mới, có nên... mách sếp? - 1

Phụ trách nhân sự lúng túng khi quản lý nhóm vừa mới vào lại gửi CV đến nơi khác (Ảnh minh họa)

Tình huống này liên tục được chia sẻ và thu hút rất nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn nhân sự. 

Cũng có một số người cho rằng, nhân sự có biểu hiện như vậy thì nên báo sếp để tìm cách... cho ra đi ngay, không nên giữ lại.

Nhưng phần lớn các ý kiến bày tỏ, việc hỏi về JD (bản mô tả công việc cụ thể) và gửi CV trên mạng xã hội hay bất cứ đâu là quyền của người lao động, dù mới hay cũ, vị trí cao hay thấp. 

Điều người làm nhân sự cần quan tâm là người lao động có đưa thông tin của công ty ra bên ngoài, lan truyền tiêu cực, nói xấu về công ty không? Nếu có những biểu hiện này thì cần thu thập thông tin, đưa ra đánh giá để có phương án giải quyết. 

Có người đưa ra ý kiến, trong tình huống này, có thể nhân sự cập nhật CV có thể vì mục đích xem mình đáng giá bao nhiêu, lương hiện tại cao hay thấp, có bị hớ không chứ không hẳn muốn nghỉ việc. 

Nếu họ không chính thức báo nghỉ thì phụ trách nhân sự có thể xem như chưa biết, không nhất thiết phải báo cáo lên cấp trên. 

Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm phần lớn chọn cách "hai mặt một lời", trao đổi thẳng thắn. 

"Trong trường hợp này có thể gặp, trao đổi với leader hỏi han họ khó khăn hay vướng mắc nào không, tránh xét nét, đổ lỗi. Ngoài lợi ích của bản thân, của công ty, người làm nhân sự cũng cần quan tâm đến nhân viên trên tinh thần win - win, hai bên cùng có lợi", một quản lý nhân sự lâu năm bày tỏ. 

Anh Lê Hồng Phong, phụ trách nhân sự tại hệ thống siêu thị bán lẻ ở TPHCM bày tỏ, các doanh nghiệp cần chấp nhận thực tế, nhiều người có công việc, vị trí tốt nhưng họ vẫn tìm việc khác với đủ lý do, có khi lý do hoàn toàn cá nhân. 

Có như vậy, cả hai bên mới nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất. 

Theo anh Phong, người làm nhân sự cần xử lý đúng tầm, tuyệt đối tránh suy diễn, đoán mò rồi "cầm đèn chạy trước ô tô", ra tay trước rồi báo cáo sai bản chất sự việc. 

Trong mọi tình huống, hãy gặp, trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với nhau để có biện pháp giải quyết hợp lý nhất. 

Khi đó, hoàn toàn có thể khéo léo nhắc nhẹ việc tránh làm ảnh hưởng đến nhân viên nếu họ tìm việc khác, nghỉ cần báo trước, bàn giao công việc đúng với quy định, nếu được có thể báo sớm hơn để công ty có kế hoạch tìm người. 

Trên cơ sở này, có thể báo với sếp nhưng không phải kiểu đi mách, kể tội mà với tinh thần dự trù phương án tuyển dụng thay thế.