Bí mật nghề phi công
Để chinh phục ước mơ trở thành phi công, được bay trên bầu trời, các bạn học viên trẻ phải trải qua quá trình rèn luyện, học tập để nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành. Từ những người mới chập chững học “bay” cho đến khi trở thành một phi công chuyên nghiệp có thể xem là một hành trình chinh phục đầy gian nan và cũng giàu trải nghiệm.
Để chinh phục ước mơ trở thành phi công, được bay trên bầu trời, các bạn học viên trẻ phải trải qua quá trình rèn luyện, học tập để nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành.
Từ những người mới chập chững học “bay” cho đến khi trở thành một phi công chuyên nghiệp có thể xem là một hành trình chinh phục đầy gian nan và cũng giàu trải nghiệm.
Từ lý thuyết đến lúc lên buồng lái
Mới đây, tôi có dịp ghé thăm Trường phi công Bay Việt - hiện là Tổ chức huấn luyện phi công dân dụng đầu tiên tại Việt Nam được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, và được quan sát quá trình học lý thuyết của các học viên tại đây.
Trước khi được thực hành cầm lái máy bay “thật”, học viên sẽ được học 14 môn lý thuyết phi công vận tải hàng không để có nền tảng kiến thức vững chắc, các học viên được học tại buồng lái mô phỏng SIM, cho người học trải nghiệm cảm giác bay như thật với góc nhìn là các vùng bay thật được chụp từ vệ tinh.
Tại lớp học lý thuyết, tôi gặp Thái Anh, một bạn trẻ mới 18 tuổi, vừa rời ghế phổ thông và vào học tại Trường Bay Việt để thực hiện ước mơ trở thành phi công của mình.
Thái Anh tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã nghĩ lớn lên mình phải làm sao trở thành một phi công, vì nghề này rất "oai", thu nhập cũng cao, thế là tôi vạch ra kế hoạch dài hạn để trở thành một phi công. Điều đầu tiên phải đạt được nếu muốn chinh phục nghề này là có một sức khỏe thật tốt, tiếp đó là khả năng ngoại ngữ giỏi. Vì thế, tôi đã luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và học thêm ngoại ngữ. Tôi biết từ lúc vào Trường phi công Bay Việt đến lúc trở thành một phi công là một quá trình rất dài, mất rất nhiều công sức, nên sẽ cố gắng hết sức mình”.
Thái Anh bước vào nghề với bao bỡ ngỡ. Mỗi khi nghe một thuật ngữ mới trong nghề, thầy cô kể những câu chuyện trên buồng lái, Thái Anh lại tỉ mẩn ghi chép lại như nuốt từng lời của giảng viên về nghề nghiệp không phải ai cũng có cơ hội được học.
Ngoài những học viên mới tinh như Thái Anh, tôi còn gặp các học viên vừa trải qua khóa huấn luyện bay tại Australia trở về. Nguyễn Lê Vũ trước đây là một tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airline, vì đặc thù công việc thường tiếp xúc với các phi công, cảm nhận được độ “ngầu và giỏi” của họ nên anh rẽ hướng sang học phi công để thỏa ước mơ.
Lê Vũ cho biết: “Sau quá trình học lý thuyết tại Việt Nam, tôi được qua trường bay tại Australia để học thực hành. Học nghề nào cũng vậy, từ lý thuyết đến thực tế là một câu chuyện rất khác nhau và để chinh phục quá trình này cũng gặp không ít khó khăn.
Lý thuyết nắm vững là thế nhưng đến khi thực hành, điều khiển một chiếc máy bay không hề đơn giản. Thêm vào đó, thời tiết ở nước ngoài không phù hợp với thể trạng người Việt nên mỗi học viên khi thực hành phải tự thích nghi với môi trường mới. Thực sự cảm giác được cầm lái máy bay, được bay trên bầu trời lần đầu tiên tôi không thể nào quên được, vẫn còn lâng lâng xúc động”.
Bật mí về nghề, ông Nguyễn Phúc Lân - giảng viên Trường phi công Bay Việt - cho hay, cơ hội nghề nghiệp của các học viên học nghề phi công là rất lớn và mức thu nhập cũng tương đối cao. Chính những đãi ngộ hấp dẫn của nghề nên Trường phi công Bay Việt hằng năm cũng tìm kiếm được những ứng viên giỏi, có khả năng để trở thành những phi công có chuyên môn cao trong tương lai.
"Để đậu khâu thi tuyển đầu vào tại Trường phi công Bay Việt học viên phải trải qua tất cả 3 vòng thi. Vòng thi thứ nhất là thi tiếng Anh với hai kỹ năng nghe và đọc. Vòng thi thứ hai là bài trắc nghiệm trên máy tính đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề phi công. Cuối cùng, các ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp với hội đồng giám khảo. Sau khi đậu khâu tuyển đầu vào, các học viên được học lý thuyết và thực hành bay cả trong và ngoài nước. Chi phí đào tạo cho tất cả các quá trình là hàng tỉ đồng" - ông Lân nói.
Sau khi trò chuyện nhiều với các giảng viên và học viên, tôi mới phát hiện nghề này cũng có những "kiêng kỵ" đặc thù mà chỉ dân trong nghề mới biết. Theo đó, lúc mới ra trường, sinh viên chỉ được lái một loại máy bay duy nhất, chỉ khi lái thuần thục thì mới được chuyển loại máy bay, lái những loại "khó xơi" hơn.
Song song đó, nghề này cũng có những kiêng kỵ và “bí mật hậu trường” riêng mà không phải ai cũng biết. 8 tiếng trước chuyến bay, phi công không được sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
Hơn thế nữa, lúc ngồi ở buồng lái, mỗi phi công phải chuẩn bị 1 chai nước to tầm 1,5 lít để sử dụng. Khi máy bay bay trên cao, nước sẽ bốc hơi rất nhanh nên phải đem nước trừ hao thì mới đủ dùng cho suốt chuyến bay dài.
Tuy không được dùng chất kích thích nhưng ở một số trường hợp, các phi công vẫn thường dùng 1 ly rượu nhỏ khi máy bay hạ cánh. Đó là lúc điều kiện thời tiết, môi trường thay đổi đột ngột. Khi nhiệt độ thay đổi sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nên các phi công thường dùng 1 lượng rượu giúp giữ ấm, tránh bị sốc nhiệt.
Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của nghề là phi công không được sử dụng điện thoại trong suốt quá trình bay, phải tập trung cao độ để đảm bảo an toàn.
Điều đặc biệt được bật mí tiếp theo là việc khẩu phần ăn của phi công là khác nhau. Cơ trưởng và cơ phó sẽ có khẩu phần ăn riêng biệt để tránh những đáng tiếc về an toàn thực phẩm.
“Hai khẩu phần ăn khác nhau để trường hợp một người có bị ngộ độc thực phẩm thì vẫn còn một người được tiếp tục cầm lái” - anh Nguyễn Lê Vũ cười nói.
Lịch trình một ngày làm việc của các phi công thực ra không chỉ ở "trên trời" mà còn phải dành rất nhiều giờ ở "dưới đất". Trước giờ cầm lái, mỗi phi công phải có mặt ở sân bay trước 2 giờ đồng hồ để thực hiện các công việc như: Kiểm tra thiết bị, máy móc, kiểm tra xăng, kiểm tra bãi đỗ, làm nóng động cơ, chuẩn bị kế hoạch bay. Tất cả những công việc đó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Những con số ấn tượng
Theo Cục Hàng không từng ước tính số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023.
Hãng Boeing tính toán với mỗi tàu bay mới cần khoảng 14 phi công để khai thác, Việt Nam sẽ cần thêm hơn 1.900 phi công đến năm 2023, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm.
Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines) hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo khoảng 100 người/năm.
Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỉ đồng trong khoảng thời gian 18 - 20 tháng.
Giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000USD - 65.000USD (1,3 - 1,6 tỉ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.
Theo website collegeboarg.org, chi phí trung bình cho việc du học ở các trường đại học tư thục Mỹ khoảng gần 50.000USD/năm. Theo con số này, tổng chi phí cho việc theo học đại học tại Mỹ khoảng gần 200.000USD (4,6 tỉ đồng) cho 4 năm, tương đương với chi phí nếu theo học phi công. A.V (TH)
Theo Anh Nhàn/Báo Lao động