1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương khủng ứng với những khóa đào tạo "đốt tiền" của phi công

Hoa Lê

(Dân trí) - Mức lương khởi điểm của phi công khá hấp dẫn. Để có được mức lương như vậy trên buồng lái, phi công phải trải qua quá trình đào tạo khắt khe với học phí có thể ngốn 4 tỷ đồng trong 2 năm.

Mức lương "khủng"

Báo cáo tổng hợp của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm cho thấy, năm 2018, tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 124 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương của phi công nước ngoài là 249,69 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, tiền lương của phi công "nội" là 135,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 48% tiền lương của phi công ngoại (281,68 triệu đồng/người/tháng) cùng làm việc cho một hãng hàng không.

Giai đoạn 2023-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến lao động phi công Việt Nam là 865-959 và 1.044 người, tương ứng tiền lương bình quân hằng năm của phi công Việt Nam (chưa bao gồm quỹ tiền lương bổ sung) lần lượt là 115,6; 128 và 134,8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, tiền lương bình quân của phi công nước ngoài làm việc cho Vietnam Airlines lần lượt là 268,4; 273,7 và 279,2 triệu đồng (tăng theo cung cầu của thị trường).

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tổng số lao động làm việc cho hãng này năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do hãng trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán và 152 phi công nước ngoài được ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực.

Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của Vietnam Airlines là 1.689 tỷ đồng. Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.

Chi phí đào tạo hàng tỷ đồng

Theo Trường Phi công Bay Việt, chi phí để một học viên lấy được bằng phi công cơ bản từ 2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng, thời gian học 2 năm. Trong đó, khóa học lý thuyết trong nước hết hơn 100 triệu đồng; chi phí học huấn luyện bay ở nước ngoài khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng (học ở Mỹ khoảng 63.000 USD/khóa, New Zealand khoảng 70.000 USD/khóa…).

Sau đó về Việt Nam, học viên học phối hợp tổ bay trên buồng lái, chi phí thêm khoảng 100 triệu đồng. Các chi phí trên không bao gồm tiền ăn ở, đi lại của học viên.

Để ngồi được lên buồng lái máy bay, sau khi có bằng phi công cơ bản, học viên cần chi thêm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng học chuyển loại (đa phần hãng hàng không đài thọ chi phí chuyển loại).

Như vậy, tổng chi phí học hành cho một phi công tới khi lái được máy bay khoảng 4 tỷ đồng (không gồm ăn ở, đi lại).