(Dân trí) - Tận thu phụ phẩm của muối, diêm dân có thêm thu nhập gấp 1,5 lần so với trước kia, doanh nghiệp có nguyên liệu để sản xuất muối đa khoáng. Nữ giám đốc trẻ gọi dòng nước vẫn bị bỏ phí ấy là mật muối.
Bằng cách tận thu phụ phẩm trong sản xuất muối, diêm dân có thêm thu nhập gấp 1,5 lần so với trước kia, doanh nghiệp có nguyên liệu để sản xuất muối đa khoáng. Nữ giám đốc trẻ gọi dòng nước vẫn bị bỏ phí ấy là mật muối.
Tôi đã phải hỏi đi hỏi lại chị Trần Thị Hồng Thắm (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam) nhiều lần về cái từ "mật muối" ấy. Muối vốn dĩ rất mặn, hàm lượng mặn của hạt muối Quỳnh Lưu, Nghệ An lên tới 99%, thì làm sao lại ra được vị ngọt mà cô ví là mật ấy. Nữ giám đốc trẻ tuổi ấy kiên nhẫn giải thích cho tôi bằng thành quả 5 năm nghiên cứu từ nguồn nguyên liệu vốn là phụ phẩm sau thu hoạch của bà con diêm dân trên cánh đồng thành các sản phẩm muối có giá trị cả về kinh tế và sức khỏe mà cô hướng tới.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Quỳnh Lưu một dải biển xanh như ngọc, hàm lượng muối cao. Với 660ha diện tích sản xuất muối phơi cát truyền thống, muối Quỳnh Lưu ngược ra Bắc, xuôi vào Nam, "băng rừng, vượt núi" lên với vùng cao và xuất khẩu qua cả nước Nhật Bản xa xôi.
Tuy nhiên, thực tế, bà con diêm dân mới chỉ bán muối thô, giá thấp, thị trường bấp bênh và thường bị ép giá. Đã có những thời điểm giá muối "chạm đáy" ở mức trên dưới 1.000 đồng/kg, nhiều diện tích sản xuất muối ở đây bị bỏ hoang do lợi nhuận không đáng kể so với chi phí và công sức lao động bỏ ra.
Mỗi năm Quỳnh Lưu xuất sang thị trường Nhật Bản khoảng 35.000 tấn muối, được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao ở chất lượng và giàu khoáng chất. Rõ ràng muối Quỳnh Lưu có nhiều tiềm năng nhưng sao bà con diêm dân vẫn vất vả, vẫn nghèo? Bao giờ diêm dân có thể sống ổn định với nghề muối? Bao giờ giá thành hạt muối xứng đáng với giọt mồ hôi bà con đổ xuống ruộng?... những câu hỏi ấy cứ ám ảnh chị Thắm không nguôi.
Càng trăn trở với nghề muối, chị Thắm càng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về nó. Từ những buổi trưa phơi mình trên cánh đồng nắng chang chang, "như thiêu, như đốt" nơi dải đất miền Trung với bà con diêm dân, chị Thắm phát hiện ra người làm muối đang lãng phí cực lớn một nguồn nguyên liệu quý - thứ mà cô sau này đã đặt tên là "mật muối" khi đã "vỡ" ra giá trị của nó.
"Mật muối là phần nước biển cô đặc sau khi bà con thu hoạch muối vẫn còn lại trên ruộng và tiếp tục "nhỉ" ra trong các kho muối, thứ vẫn được bà con làm muối gọi là nước ót hay nước chạt. Trước đây, bà con thường để sử dụng tái sản xuất muối hoặc cho chảy vào các ao hồ làm thức ăn cho tôm. Phần này được xem là phụ phẩm trong sản xuất muối nhưng lại có hàm lượng khoáng như Kali, Magie cao và 60 loại vi lượng khoáng khác. Nguồn nguyên liệu quý này đang bị lãng quên và chưa tận thu hết giá trị mà biển cả ban tặng", chị Thắm lí giải.
Với con mắt của người làm khoa học, chị Thắm thấy cần thiết phải tận dụng nguồn nguyên liệu quý này. Với góc độ của người làm kinh tế, cô nhận ra rằng, thay vì để chảy ra môi trường, bà con diêm dân sẽ có thêm một khoản thu nhập từ thứ chất lỏng phụ phẩm này.
Lâu nay, thói quen sử dụng muối thô với hàm lượng natri quá cao, người dân đang đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe về tim mạch, huyết áp. Nếu tận dụng được "mật muối" sẽ đồng thời giải quyết cả 3 vấn đề trên. Thế nhưng phải mất đến 5 năm, ý tưởng của chị Thắm mới trở thành hiện thực.
"Đây không phải là công sức của cá nhân tôi mà là trí tuệ và tâm huyết của nhiều người cùng chung chí hướng. Đặc biệt, tôi có sự hỗ trợ tuyệt đối từ chồng và cộng sự trong quá trình nghiên cứu công nghệ phân tách muối khoáng từ mật muối", chị Thắm cho hay.
Chồng chị Thắm, kỹ sư Hồ Xuân Vinh, cũng là người luôn đau đáu làm sao để người dân quê mình bớt nhọc nhằn, vất vả và gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại. Suốt 5 năm miệt mài nghiên cứu, làm việc với bà con diêm dân trên cánh đồng, trao đổi với các chuyên gia trong ngành, cũng không hiếm lần thất bại, không ít lần "đập đi làm lại" nhưng chưa một lần nghĩ đến việc bỏ cuộc, cuối cùng anh Vinh cũng cho ra đời công nghệ phân tách vi khoáng Nanosalt.
Với công nghệ này, những giọt "mật muối" được phân tách, tạo ra sản phẩm muối gia vị có hàm lượng Natri thấp, giàu khoáng tự nhiên tốt cho sức khỏe vẫn giữ nguyên được vị mặn truyền thống của muối. Hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất muối NanoSalt cũng được hoàn thiện để hiện thực hóa ý tưởng sản xuất dòng muối tốt cho sức khỏe.
Tháng 6/2022, các dòng muối giảm mặn đa khoáng mang thương hiệu NanoSalt ra đời. Chưa đầy một năm sau, các sản phẩm muối ăn, muối dược liệu - làm đẹp, muối y tế đã có mặt tại 8 tỉnh, thành với 26 đại lý và được người tiêu dùng ủng hộ, dù giá thành gấp 6 lần so với muối thường. Hỏi chị Thắm về khả năng cạnh tranh của dòng muối giảm mặn đa khoáng khi giá thành cao, cô tự tin bởi thứ cô hướng tới không phải là kinh tế mà chất lượng và giá trị đối với sức khỏe.
"Kết quả bước đầu cho thấy, người tiêu dùng đã có sự thay đổi trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm muối có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, mục tiêu quan trọng của dự án là tăng thu nhập cho người lao động. Hiện mật muối đang được chúng tôi thu mua với giá bằng 50% giá muối, nghĩa là diêm dân có thu nhập gấp rưỡi so với trước kia", chị Thắm cho hay.
Trên cánh đồng muối của Hợp tác xã muối Thắng Lợi (xã An Hòa, Quỳnh Lưu), ngoài các kho muối còn có thêm những thùng nhựa để tích nước ót. Năm 2022, Hợp tác xã cung ứng 5.000 lít mật muối cho Công ty TNHH ABACA Việt Nam để sản xuất muối dinh dưỡng giảm mặn.
"Trước đây, nguồn mật muối bị lãng phí do diêm dân chưa đánh giá hết giá trị của nó. Sau khi kí kết hợp tác với ABACA Việt Nam chúng tôi được trang bị dụng cụ tích trữ, bà con chỉ gom nước ót lại, đầy thùng thì có xe đến chở đi. Nhờ bán cả nước ót, thu nhập từ nghề muối của hơn 800 xã viên Hợp tác xã tăng 1,5 lần so với trước đây. Năm nay, vụ muối mới bắt đầu nhưng cơ bản toàn bộ diện tích sản xuất đã được phủ kín", ông Điện cho hay.
Với quy mô sản xuất hiện tại, mỗi năm công ty thu mua 150 tấn mật muối cho bà con diêm dân, giá 1.000-1.500 đồng/lít. So với sản lượng 30.000 tấn mật muối của toàn huyện thì con số kia vẫn còn khá khiêm tốn. Bởi vậy, đơn vị này đang tích cực quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để tăng sản lượng, tăng khả năng tiêu thụ mật muối cho bà con diêm dân. Muối giảm mặn cũng đang được định hướng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhưng đó là câu chuyện của tương lai, bởi quan điểm của chị Thắm là ưu tiên thị trường trong nước.
"Đương nhiên, với một doanh nghiệp thì lợi nhuận là điều quan trọng. Nếu xuất khẩu thì giá trị kinh tế của hạt muối sẽ cao hơn nhưng chúng tôi muốn người Việt Nam phải là những người được hưởng lợi đầu tiên từ dòng muối giảm mặn đa khoáng này", chị Thắm lý giải.
Sản phẩm muối giảm mặn đa khoáng của chị Thắm và các cộng sự liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng về khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học trong tỉnh và toàn quốc. Đặc biệt, với việc tận thu nước ót, giúp diêm dân tăng thu nhập, dự án của chị đã góp phần ổn định việc làm cho 10.000 lao động địa phương, trong đó có tới 80% là lao động nữ. Năm 2022, Công ty TNHH ABACA Việt Nam là một trong 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội được nhận gói hỗ trợ từ dự án hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 do Global Affairs Canada tài trợ, thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Phát triển doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tháng 3/2023, chị Trần Thị Hồng Thắm vinh dự là một trong 16 đảng viên được Tỉnh đoàn Nghệ An vinh danh là đảng viên trẻ xuất sắc. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nữ đảng viên mới 4 năm tuổi đảng.
"Mình có tuổi trẻ, có sức khỏe, có trí tuệ thì không thể chỉ biết vun vén cho bản thân được. Tôi xác định, là đảng viên, phải không ngừng phát triển bản thân, phát triển kinh tế doanh nghiệp và phải tạo ra giá trị đối với xã hội. Lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp, tôi biết rằng con đường không hề bằng phẳng và lắm rủi ro nhưng may mắn bên cạnh tôi luôn có sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và các cộng sự", chị Thắm cho hay.
Cùng với việc mở rộng dự án sản xuất muối giảm mặn đa khoáng, hiện nữ giám đốc trẻ tuổi này đang xúc tiến mô hình sản xuất kết hợp du lịch trải nghiệm trên cánh đồng muối. Theo chị Trần Thị Hồng Thắm, không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sâu rộng là hướng đi đúng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai. Khi doanh nghiệp giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định, phát triển kinh tế thông qua nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp thì chính người nông dân sẽ đồng hành để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Tuấn Huy