1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề "làm một ngày ăn cả năm", diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Một ngày, vợ chồng ông Mai Ngọc Ân (trú xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sản xuất được một tạ muối. Với giá muối hiện tại, ông Ân không đủ tiền mua một yến gạo.

"Làm một ngày ăn cả năm", diêm dân vẫn nghèo

Tranh thủ ngày nắng đầu mùa, diêm dân xã An Hòa ra đồng sửa "dát", bước vào vụ sản xuất muối mới. Hợp tác xã (HTX) dịch vụ muối Thắng Lợi (xã An Hòa) là đơn vị có diện tích sản xuất muối lớn với hơn 110ha, 818 xã viên. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 12.000 tấn muối.

Ông Bùi Xuân Điện - Giám đốc HTX dịch vụ muối Thắng Lợi cho biết, cuối năm 2022, giá muối tại ruộng 3.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua.

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 1

Diêm dân xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu tranh thủ nắng đầu mùa để sản xuất muối (Ảnh: Hoàng Lam).

"Giá muối tăng cao, bà con phấn khởi khép kín diện tích nhưng những ngày gần đây, giá muối quay đầu giảm mạnh xuống 1.600 đồng rồi 1.200 đồng/kg, có thời điểm xuống dưới 1.000 đồng/kg. Với giá muối này thì bà con diêm dân gần như không có lãi", ông Điện cho hay.

Theo vị giám đốc này, hiện muối Quỳnh Lưu đang bị cạnh tranh gay gắt bởi muối từ Ninh Thuận ra và muối nhập khẩu từ Trung Quốc sang.

Vắt kiệt mồ hôi trên ruộng muối, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo (Video: H.Lam)

Múc nước tráng đều ruộng, ông Mai Ngọc Ân (79 tuổi) nghỉ tay, ngồi nương theo bóng râm trước kho muối uống nước. Giọt mồ hôi đẫm trán, chảy xuống mặt, cổ.

"Hai vợ chồng tôi làm một ngày được một tạ muối, bán không đủ mua một yến gạo. Người ta nói vui nghề muối làm một ngày ăn cả năm nhưng giá cả như hiện này thì diêm dân không đủ sống", lão nông hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại, lắc đầu.

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 2

Sản xuất muối truyền thống tại huyện Quỳnh Lưu hoàn toàn thủ công, mất nhiều sức lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Ân vẫn ra đồng, phơi mình dưới cái nắng chang chang, vắt kiệt mồ hôi để làm muối. Nghề muối vất vả, cực nhọc, giá muối lại quá thấp nên những người như ông, không có việc gì làm mới bám trụ. "Trẻ thì đi làm công nhân, có sức khỏe thì đi làm thợ xây, phụ hồ chứ mấy ai còn làm muối nữa", ông lão rầu rầu.

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 3

79 tuổi, ông Mai Ngọc Ân vẫn bám ruộng, kiếm mỗi ngày 50.000 đồng (Ảnh: Hoàng Lam).

Bà Hồ Thị Vinh (53 tuổi) một mình làm 4 "dát" muối, quần quật giữa trời nắng, vừa xáo đất, rải phơi đất, lọc nước, phơi nước, thu muối. Tại Nghệ An, nghề làm muối kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, khi nền nhiệt cao. Mỗi năm bà Vinh sản xuất được khoảng 10 tấn muối, thu về khoảng 12-15 triệu đồng. Tính ra, mỗi ngày bà Vinh chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng.

"Nghề muối khổ lắm, cực nhọc mà thu nhập thì chả đáng bao nhiêu. Tôi chỉ cầu mong 4 đứa con gái đừng gả về đất làm muối", bà Vinh chia sẻ. 4 cô con gái của bà Vinh đều đã lấy chồng, có người lấy vào tận Bạc Liêu nhưng bà cảm thấy may mắn bởi không ai phải theo cái nghề vắt kiệt mồ hôi này nữa.

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 4

Sản xuất muối vất vả, cực nhọc, thu nhập thấp nên bà Hồ Thị Vinh là người duy nhất trong nhà còn theo nghề (Ảnh: Hoàng Lam).

Nỗi lo mất lao động nghề muối

Với hơn 600ha làm muối, Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích làm muối lớn nhất tỉnh Nghệ An, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 50.000 tấn muối.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách hỗ trợ diêm dân như cải tiến chạt lọc, hỗ trợ bạt ni lông để thay đổi phương thức từ sản xuất muối phơi cát truyền thống sang sản xuất muối phơi bạt...

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 5

Phần lớn lao động trên ruộng muối là người già (Ảnh: Hoàng Lam).

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ sản xuất, chế biến nhưng nghề sản xuất muối truyền thống đang đứng trước nguy cơ mất dần lao động.

Dễ nhận thấy trên các cánh đồng muối thiếu vắng lao động trẻ. Ông Diện cho biết, có hơn 800 hộ gia đình tham gia HTX nhưng số lao động thực sự gắn bó với nghề không nhiều. "Chủ yếu là lao động trên 40 tuổi hoặc các cháu học sinh tranh thủ ra giúp gia đình", ông Điện cho hay.

Bên cạnh nỗi lo về thị trường tiêu thụ, giá thành rẻ mạt, ông Điện cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn lao động mặn mà, gắn bó với nghề sản xuất muối. Tại xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), nơi từng có gần 70% số hộ dân làm nghề muối cũng đang phải đối mặt với tình trạng diêm dân bỏ ruộng do giá bấp bênh, rẻ mạt.

Nghề làm một ngày ăn cả năm, diêm dân không đủ tiền mua một yến gạo - 6

Nghề sản xuất muối truyền thống tại vựa muối Quỳnh Lưu đang phải đối mặt với tình trạng mất lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, diêm dân mong chính sách trợ giá thu mua để tránh bị tác động bởi muối nhập khẩu vốn có giá rất thấp. Bên cạnh đó, các làng nghề, HTX sản xuất muối cũng đang thay đổi phương thức sản xuất, đa dạng các loại hình kinh tế trên cánh đồng muối.

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Abaca Việt Nam (Quỳnh Lưu) cho biết, để tăng thu nhập cho diêm dân, bên cạnh thu mua "nước ót" (phụ phẩm trong sản xuất muối - PV) với giá bằng một nửa giá muối, doanh nghiệp đang nghiên cứu, phát triển mô hình sản xuất kết hợp du lịch trải nghiệm để thu hút du khách, tăng giá trị kinh tế trên ruộng muối.