Những công việc chưa từng có tên sẽ phát triển mạnh nay mai
(Dân trí) - Sự phát triển của công nghệ tác động sâu sắc đến cơ cấu các ngành nghề, làm xuất hiện nhiều công việc chưa từng có tên trong danh mục đào tạo tại Việt Nam.
Sau khi lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, TPHCM xác định nền kinh tế hiện nay và trong tương lai gần sẽ có 9 nhóm công nghệ chính phát triển mạnh và tác động đến sự hình thành các mô hình kinh doanh, ngành nghề mới. Từ tác động trên, lao động và việc làm tại TPHCM sẽ chuyển dịch theo.
Cụ thể, 9 nhóm công nghệ chính trên bao gồm: Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, công nghệ tài chính, internet kết nối vạn vật, người máy tiên tiến, sản xuất bồi đắp và công nghệ bán dẫn.
Sau khi nghiên cứu mô thức phát triển và khả năng tác động của các nhóm công nghệ trên đến việc làm, các chuyên gia dự báo một số nhóm ngành nghề chính hiện nay sẽ có sự thay đổi rõ nét trong tương lai.
Tác động đầu tiên là nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Đây là một trong những ngành chiếm số lượng nhân sự rất lớn với nhiều nghề như công nghệ thông tin (dữ liệu, phần mềm, an ninh mạng...); ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô...); kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, in 3D; công nghệ sinh học, chế biến, kỹ thuật y sinh...
Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên ra trường ngành này vẫn còn hạn chế. Thậm chí, nhiều ngành trên chưa có tên trong danh mục giáo dục, đào tạo của Việt Nam hiện nay.
Thứ 2, nhóm ngành thương mại điện tử và công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc phải phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư. Nhóm nhân lực mới này cần am hiểu nhiều mảng, nhất là tin học và ngoại ngữ, có khả năng cập nhật các thành tựu công nghệ mới nhất để vận dụng vào thực tiễn.
Thứ 3 là nhóm ngành sản xuất. Hiện nay, một xu hướng được cả thế giới áp dụng trong quy trình sản xuất là sản xuất thông minh. Xu hướng này đòi hỏi nguồn lao động được trang bị những kỹ năng tự động hóa, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất số lượng lớn trong các nhà máy; thiết kế, điều khiển, chế tạo robot…
Thứ tư, ngành logistics/Supply Chain (lĩnh vực cung ứng) sẽ chiếm tỷ trọng nhân sự lớn. Đây là ngành cần nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ hỗ trợ gom hàng chặng đầu, giao hàng chặng cuối.
Nguồn nhân lực ngành này cần có khả năng cập nhật được những thay đổi của công nghệ logistics; làm chủ được các thiết bị, máy móc đang dần thay thế công việc của con người.
Thứ năm, nhóm ngành kinh tế và quản lý có sự chuyển đổi rõ rệt. Để vận hành mọi hoạt động xã hội với nhiều ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật số thì cần có lực lượng lao động được đào tạo thích nghi thị trường lao động thời đại số, thời đại của sự kết nối thực và ảo thông qua kênh trực tuyến.
Thứ sáu, ngành du lịch cũng sẽ có chuyển đổi. Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện nhiều loại hình du lịch, robot hoặc công nghệ sẽ thay thế con người làm các nghiệp vụ truyền thống.
Điều này đòi hỏi việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải tinh tế và thức thời hơn; phát triển việc nghiên cứu, đào tạo những vị trí việc làm mới thay thế những vị trí truyền thống mà công nghệ đã đảm nhiệm.
Thứ bảy, ngành kế toán, kiểm toán bị tác động cực lớn khi robot sẽ trở thành công cụ đắc lực trong việc giải quyết các vấn đề hành chính.
Tuy nhiên, robot và trí tuệ nhân tạo khác với con người ở cảm xúc và sự sáng tạo. Để không bị thay thế thì đòi hỏi người lao động phải có sự đổi mới sáng tạo.
Do đó, một số kiến thức, công việc mang tính chất lặp đi lặp lại có thể giảm tải cho sinh viên vì sau này sẽ bị thay thế bởi các thuật toán.
Đồng thời, chương trình đào tạo cần tăng cường phát triển tư duy và năng lực của sinh viên trong việc thiết kế, ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin nhằm phục vụ cho vị trí nhà quản lý.
Thứ tám, ngành công nghệ tài chính sẽ phát triển mạnh với việc sử dụng công nghệ mới (blockchain, robot tư vấn, cho vay P2P, tài trợ đám đông, thanh toán qua điện thoại…) áp dụng vào lĩnh vực tài chính.
Thứ chín, ngành nông nghiệp sẽ trở lại với nông nghiệp 4.0, còn được gọi là nông nghiệp thông minh.
Nông nghiệp 4.0 tối ưu hóa đầu vào của cây trồng với sự hỗ trợ của các công nghệ như GPS, mạng viễn thám và internet…
Các hệ thống này có thể cung cấp thông tin thời gian thực về điều kiện đất đai, nhu cầu của cây trồng và vật nuôi, điều kiện thời tiết, năng suất cây trồng và nhu cầu thị trường.
Nhu cầu lao động trong ngành nông nghiệp sẽ giảm về số lượng nhưng thay đổi về chất lượng, yêu cầu nhân lực có trình độ cao.