1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề mới

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhằm đáp ứng nhân lực cho các ngành nghề mới, TPHCM sẽ thành lập quỹ hỗ trợ để phát triển nghề mới. Trước mắt, thành phố thí điểm hình thành Quỹ phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Theo UBND TPHCM, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) để xây dựng quỹ hỗ trợ đào tạo phát triển ngành nghề mới.

Trước mắt, thành phố thí điểm hình thành Quỹ phát triển (nguồn nhân lực thiết kế) vi mạch quy mô 5 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng). Theo kế hoạch, quỹ phát triển vi mạch sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2024-2025.

Nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề mới - 1

Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM tại phòng thí nghiệm vi mạch (Ảnh: Thiện Thông).

UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu cho việc thành lập Quỹ phát triển vi mạch.

Dự kiến, từ nay cho đến năm 2030, quỹ này sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư (tương đương khoảng 6.000 kỹ sư/năm).

Về cơ chế hoạt động, thành phố có thể sử dụng quỹ này để ứng trước cho công tác đào tạo. Doanh nghiệp sử dụng lao động được đào tạo từ quỹ này sẽ hoàn trả chi phí đào tạo cho quỹ.

Đồng thời, việc hỗ trợ từ Quỹ phát triển vi mạch sẽ tiến hành song song với các đề án đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo…

Ngoài ra, UBND TPHCM còn giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố làm đầu mối kết hợp 4 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà băng - nhà doanh nghiệp) để tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực.

Người lao động có thể được hỗ trợ vay vốn để học tập nâng cao năng lực, chuyển đổi kiến thức cho phù hợp vị trí làm việc trong các lĩnh vực mũi nhọn tại Khu Công nghệ cao.

Từ mô hình này, thành phố sẽ nghiên cứu ứng dụng chính sách đào tạo nhân lực cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến, ứng dụng nền tảng mạng xã hội, các ngành nghề mới xuất hiện từ việc chuyển đổi theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh…