1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Livestream tạo ra nghề nghiệp mới, thích hợp cho lao động thất nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo chiến lược lao động - việc làm của TPHCM, thị trường thương mại điện tử trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều ngành nghề, đòi hỏi người lao động phải trang bị kỹ năng mới.

Từ phiên livestream 100 tỷ tới kênh tiktok tuyển dụng

Mới đây, cặp đôi Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh sống tại Hà Nội đã lập kỷ lục mới trong ngành thương mại điện tử ở Việt Nam khi đạt tổng doanh thu 100 tỷ đồng qua một phiên livestream (phát trực tiếp).

Sự kiện này cho thấy ngành bán hàng trực tuyến đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam, trở thành một ngành nghề mới có thu nhập cao, hấp dẫn nhiều lao động tham gia.

Không chỉ dừng ở lĩnh vực bán hàng, hình thức phát trực tiếp còn xâm lấn qua nhiều lĩnh vực khác như tư vấn sức khỏe, tuyển dụng lao động…

Đầu năm 2024, công ty TNHH Luxshare-ICT Bắc Giang đã gây ấn tượng mạnh khi cho ra mắt kênh tiktok của công ty, thu hút người xem với hình thức livestream giới thiệu về công ty, tuyển dụng và tìm kiếm lao động về đầu quân.

Với hình thức vận hành mới mẻ và hiện đại, kênh tiktok của doanh nghiệp nhanh chóng thu hút nhiều người theo dõi là lao động trẻ tuổi. Chỉ sau 3 tháng hoạt động, kênh tiktok trên đã có gần 10.000 lượt theo dõi và 35.000 lượt thích.

Livestream tạo ra nghề nghiệp mới, thích hợp cho lao động thất nghiệp - 1

Nữ công nhân livestream trên kênh tiktok của công ty (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Trong chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND TPHCM nhận định: "Livestream đang tạo ra ngành nghề mới trên thị trường lao động (người diễn, quay phim, chụp hình, make up, kỹ thuật link, logistic...), tạo việc làm cho rất nhiều người".

Theo UBND TPHCM, đây là một xu hướng ngày càng thu hút người làm nhưng mới dừng ở mức trào lưu, bắt chước theo nhau, nhân lực chưa được đào tạo bài bản nên rất thiếu kiến thức về pháp luật (thuế, kinh doanh trên mạng, ứng xử với công chúng...).

Do đó, TPHCM xác định rõ mục tiêu của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sắp tới là xây dựng những khóa học ngắn hạn nhằm đào tạo lao động ngành này. Điểm đặc biệt quan trọng là phải cập nhật chính sách, quy định pháp luật về lao động và kinh doanh.

Theo UBND TPHCM, giáo dục nghề nghiệp cần ý thức được việc chuyển đổi kỹ năng nghề cho người lao động thích ứng bối cảnh mới, khi xã hội đang phát triển theo nền kinh tế số.

Thương mại nền tảng xã hội 

Chiến lược lao động - việc làm của TPHCM nhấn mạnh: "Khi đặt mục tiêu tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số thì "thương mại nền tảng xã hội" là giải pháp phù hợp cho lao động thất nghiệp hoặc lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp".

Do đó, thành phố định hướng trong thời gian tới sẽ phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng nghề thích ứng xu hướng "thương mại nền tảng xã hội", áp dụng cho những người lao động có tinh thần tự thân và sẵn sàng học hỏi theo xu thế công nghệ mới để có nghề, có thu nhập.

Theo UBND TPHCM, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng với nhiều mô hình và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Không chỉ riêng thương mại điện tử, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế phát triển kinh tế tương lai, không thể thay đổi nên đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải chuyển đổi để thích ứng.

Dự báo trong tương lai, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, các chương trình đào tạo có tính liên ngành, dẫn đến mô hình đào tạo có sự chuyển đổi.

Ngoài ra, mức độ đánh giá, các tiêu chí đòi hỏi ở người lao động cũng thay đổi theo. Năng lực thực hành nghề sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá trình độ lao động, thể hiện ở kiến thức hiểu được và kỹ năng làm được của sinh viên - học sinh.