Nhân sự trẻ xin về quê sớm vì chi phí mùa Tết gấp đôi tiền thưởng
(Dân trí) - Nữ nhân viên văn phòng tại TPHCM chấp nhận không có thưởng Tết để được sếp cho về quê sớm, làm việc từ xa. Cô tính toán, nghỉ Tết mới về, chi phí đi lại rất đắt đỏ, chưa kể các khoản mua sắm khác.
Thưởng Tết không đủ trang trải nhu cầu cá nhân
Gần 2 tháng trước Tết Nguyên đán 2025, Ngọc Như (23 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) nhẩm tính chi phí đi lại, mua sắm cho dịp nghỉ lễ đặc biệt sắp tới. Như hiện là nhân viên phụ trách mảng thiết kế tại một công ty quảng cáo ở thành phố lớn nhất nước.
Nhớ lại mùa Tết năm ngoái, dù chọn về Bình Định bằng xe khách, sắm sửa tiết kiệm hết mức có thể, Như cũng tốn hơn 5 triệu đồng. Các khoản chi phí này gấp đôi tiền thưởng Tết Như nhận được.
"Tiền xe khách ngày Tết tăng đến gần 1 triệu đồng/chiều, khứ hồi là hơn 1,5 triệu đồng. Vì cận Tết mới được về nên tôi đành mua sắm quần áo, làm tóc… ở thành phố. Nhưng ở TPHCM thì dịch vụ đắt đỏ hơn ở quê nhiều", Như so sánh.
Là nhân viên mới, làm tại công ty nhỏ, cô gái được trả mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thu nhập chỉ đủ xoay xở chi tiêu hàng ngày nên Tết đến, Như vẫn thường phải nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm tiền về quê.
Tính đi tính lại, Tết Nguyên đán năm nay, Như lấy hết can đảm, xin sếp cho nghỉ sớm, về quê làm việc từ xa.
"Năm ngoái, công ty chi thưởng Tết cho mỗi nhân viên là 2 triệu đồng. Chi phí cá nhân cho mùa Tết đã phải gấp đôi số đó. Vậy nên tôi thà không nhận thưởng, về từ sớm, còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn", Như nói.
Về quê "nghỉ Tết" cả tháng, Như nói cô tiêu tốn chưa đến 2 triệu đồng. Tiền vé xe khách những ngày thường chỉ khoảng 350-500.000 đồng/chiều. Về quê, cô cùng mẹ ra chợ mua quần áo mới giá rẻ, tránh được cảnh chen chúc, "chặt chém" ngày Tết. Như và mẹ cùng nhuộm tóc cho nhau, không cần phải ra tiệm.
"Không gian ở quê nhà yên tĩnh, thoải mái nên tôi có thể tập trung làm việc, đỡ cảnh kẹt xe, bạn bè, chi phí... Tôi làm thiết kế nên làm việc từ xa cũng vẫn đảm bảo", Như nói.
Ngoài ra, nữ nhân viên văn phòng bộc bạch niềm vui vì đã lâu chưa được ở cạnh gia đình lâu đến thế. Năm nay cô có thể phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa mọi thứ để đón dịp Tết đoàn viên.
"Nếu có thể, năm sau tôi lại đăng ký nghỉ Tết thế này. Tôi cảm thấy may mắn vì công ty chỉ có mình tôi là người quê xa như này nên cấp trên cũng thông cảm, hỗ trợ", Như dự tính.
Người lao động chọn đón Tết giản đơn
Thu Trang (25 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhân viên tại một công ty truyền thông, cho hay cô và đồng nghiệp vẫn đang thấp thỏm chờ thưởng Tết. Từ đầu quý cuối của năm, nữ nhân viên đã "vào chiến dịch tiết kiệm", không thể chi tiêu thoáng tay.
"Năm đầu tiên vào công ty, tôi được nhận thưởng Tết tương ứng với 2 tháng lương. Năm thứ hai, tôi cứ ngỡ sẽ nhận được mức thưởng tương tự nên tiêu xài khá thoải mái, hứa sẽ mừng tuổi bố mẹ "khủng". Nào ngờ, công ty bỗng nhiên hoạt động khó khăn, thưởng Tết năm nay cắt giảm, chỉ còn được 1 tháng lương", Trang kể.
Ngỡ thưởng Tết cao, cô gái đã chi tiêu hết tiền lương trong tháng, không để lại khoản dự phòng nào. Vậy nên khi Tết đến, Trang chỉ còn đủ tiền mua vé máy bay, mua vài bộ quần áo mới. Cô chẳng còn tiền lì xì bố mẹ như đã hoan hỉ khoe trước đó.
Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, cô gái chọn đón Tết giản đơn hết mức. Trang dọn lại tủ quần áo, chọn những bộ ít mặc để dành làm đồ diện Tết. Nữ nhân viên văn phòng cũng quyết định về quê bằng xe khách thay vì đi máy bay để tiết kiệm chi phí.
"Kể từ sai lầm năm ngoái, tôi rút kinh nghiệm rằng phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, thậm chí còn phải tìm thêm một công việc tay trái để làm hoặc học thêm một kỹ năng mới để phát triển bản thân, tăng thu nhập. Chỉ như vậy mới có thể giúp bản thân chủ động đối phó với những tình huống bất ngờ như bệnh tật hoặc đột ngột thất nghiệp", Trang đúc rút.