Mất gấp đôi thời gian vì không leo lề, tài xế "thà vậy để đừng mất Tết"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Không leo lề, chủ động dừng đèn vàng, không đi ngược chiều… là những điều mà tài xế Nghĩa luôn tự nhắc bản thân trong những ngày qua.

"Suốt 4 năm làm tài xế xe ôm công nghệ, đây là lần đầu tiên tôi thấy người đi đường, các đồng nghiệp đồng loạt dừng lại khi thấy đèn vàng, không bấm còi inh ỏi, hối thúc khi đèn đỏ chỉ còn vài giây là chuyển xanh.

Ở nhiều ngã tư đông đúc, thường xuyên kẹt xe lúc cao điểm, vỉa hè cũng không còn bóng dáng xe máy leo lề, chèn ép nhau", anh Huỳnh Thanh Nghĩa (40 tuổi, quê tại tỉnh Tiền Giang), tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM, nói.

Mất gấp đôi thời gian vì không leo lề, tài xế thà vậy để đừng mất Tết - 1

Tài xế xe ôm công nghệ không khỏi áp lực, lo lắng và cẩn trọng hơn sau các mức phạt mới của Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Nghĩa còn nói đùa mỗi khi dừng đèn đỏ, các tài xế đều nhắc nhở nhau rằng: "Đừng vượt nha bạn, phạt 4-6 triệu (đồng) đó".

Sự cẩn trọng của anh Nghĩa và nhiều tài xế khác bắt đầu từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Theo đó, từ ngày 1/1, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.

Mức phạt tiền 4-6 triệu đồng cũng áp dụng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" và điều khiển xe đi vào đường cao tốc.

Mất gấp đôi thời gian vì không leo lề, tài xế thà vậy để đừng mất Tết - 2

Nhiều tài xế đồng tình rằng các mức phạt mới đủ sức răn đe và góp phần đảm bảo an toàn giao thông (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nghị định 168 cũng quy định mức xử phạt với hành vi dừng, đỗ mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự ở lòng đường gây cản trở giao thông.

"Nếu không leo lề, thú thật là thời gian di chuyển đôi lúc chậm hơn 10-15 phút so với thường lệ. Mỗi khi nhận cuốc ở những nơi thường xuyên ùn tắc, chẳng hạn như khu vực Cát Lái, tôi tự hiểu mình sẽ phải tốn nhiều thời gian, công sức hơn. Không tuân thủ luật thì tôi sẽ bị phạt nặng, nhưng tuân thủ thì tôi lại bị khách hàng phàn nàn vì di chuyển quá lâu", anh Nghĩa bộc bạch.

Nam tài xế chia sẻ rằng nhiều khách hàng thường tỏ vẻ khó chịu, thậm chí yêu cầu anh leo lề ở những đoạn đường đông đúc để nhanh chóng đến nơi. Dù sớm biết nếu không chiều theo ý khách thì sẽ bị đánh giá không tốt trên ứng dụng, anh Nghĩa vẫn cương quyết tuân thủ luật để "thà vậy mà không mất Tết".

Hằng ngày, tài xế Nghĩa làm việc từ 18h đến 6h ngày hôm sau để đổi lấy thu nhập 400.000-500.000 đồng. Việc thời gian di chuyển bị kéo dài so với trước có thể ảnh hưởng không ít đến thu nhập của anh.

"Bây giờ leo lề, vượt đèn đỏ rồi bị phạt mấy triệu đồng là xem như tôi bỏ nghề, về quê ăn Tết sớm luôn. Nghe mức phạt mới quá cao, anh em đồng nghiệp mấy hôm nay lúc nào cũng lo lắng, áp lực và cẩn trọng hết mức để bảo vệ "chén cơm".

Mất gấp đôi thời gian vì không leo lề, tài xế thà vậy để đừng mất Tết - 3

Nếu không may vi phạm quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều tài xế thừa nhận không có khả năng đóng tiền phạt (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thế nhưng, nhiều năm đi làm, chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm liên tục xảy ra, thậm chí có lúc bản thân cũng là nạn nhân, tôi tự nhủ chậm một chút cũng không mất mát gì", anh Nghĩa chia sẻ.

Nam tài xế Hoàng Đạt (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) đồng tình rằng mức phạt mới sẽ đủ tính răn đe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Tuy nhiên, anh cho rằng hạ tầng giao thông cần được cải thiện nhiều hơn để tài xế nói riêng, người đi đường nói chung có thể an tâm lái xe, tuân thủ các quy định.

"Ở những đoạn đường xấu, nhiều ổ gà hoặc bị ngập sâu, chúng tôi buộc phải leo lề để tránh chứ không còn cách nào khác. Không những vậy, một số nơi còn có tín hiệu đèn giao thông bị lỗi, biển báo bị cây che khuất… ", anh Đạt nói.

Ngoài ra, anh cho rằng các hãng xe ôm công nghệ cũng cần thường xuyên đào tạo, hướng dẫn các quy định và kỹ năng khi lái xe để tài xế hiểu rõ, dễ dàng tuân thủ.

"Nhiều đồng nghiệp dù đã có giấy phép lái xe nhưng vẫn chạy theo thói quen hoặc di chuyển theo đám đông, vô tình khiến bản thân bị mắc lỗi mà không hề hay biết", anh Đạt nhấn mạnh.