Lương tối thiểu năm 2017: Cuộc họp sẽ tranh luận xung quanh mức tăng thấp

(Dân trí) - Phiên họp sáng nay (20/7) của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tại Hải Phòng mới chủ yếu để bộ phận kỹ thuật đưa ra những nguyên tắc chung. Tuy nhiên vào phiên chiều nay, dự báo sẽ có tranh cãi quyết liệt khi các bên bảo vệ phương án tăng lương tối thiểu của mình.


Dự báo mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ không cao bằng năm 2016.

Dự báo mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ không cao bằng năm 2016.

VCCI sẽ đề xuất mức bao nhiêu?

Tới thời điểm trước cuộc họp, phía VCCI vẫn cương quyết chưa công bố mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Tuy nhiên, điều này cũng không khó đoán định bởi những thông số sau.

Năm 2015, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - trước khi vào họp phiên đàm phán lương tối thiểu cho năm 2016 đã khẳng định mức đề xuất tăng chỉ từ 6-7 %.

Khi đó, giải thích quan điểm với PV Dân trí, ông Hoàng Quang Phòng nói: “Mức đề xuất tăng lương tối thiểu cho năm 2016 từ 6-7 % được VCCI xây dựng trên cơ sở hội đủ thông tin trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, thực tế là doanh nghiệp phải thay mặt người lao động chi trả các khoản BHXH, BHYT, BHTN”.

Đề xuất 6-7 % đã khác nhiều so với mức đề xuất trước đó của VCCI lên Hội đồng tiền lương Quốc gia là 10 %.

Đó là câu chuyện của năm 2015. Tới năm nay, tình hình còn nhiều thay đổi hơn.

Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia về tiền lương của VCCI cho biết: “Khảo sát của VCCI trong 6 tháng đầu năm 2016, có hơn 54.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 36.000 doanh nghiệp, chiếm tới 2/3, tăng 17 % so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số CPI tăng khá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới nguy cơ doanh nghiệp phá sản.

Ngoài ra, Luật BHXH năm 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Đồng nghĩa với việc mức đóng BHXH có thêm khoản phụ cấp. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tính thêm một khoản kinh phí để bổ sung cho chi phí này.

“Chưa kể những sức ép gia tăng về tính cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh quốc gia và xu hướng khuyến khích khởi nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khả năng mức đề xuất tăng lương tối thiểu của VCCI sẽ chỉ ở 1 con số. Thậm chí thấp hơn cả mức đề xuất của năm 2015 cho lương tối thiểu năm 2016” - vị chuyên gia dự đoán.

Liệu có lặp lại kịch bản năm 2015?

Trong khi VCCI còn giữ kín đề xuất mức tăng lương trước phiên họp thì Tổng LĐLĐ VN đã có thông tin trước đó về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017, từ 10-11% (tương đương từ 250.000 - 400.000 đồng). Mức đề xuất này dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ, đảm bảo cân đối giữa điều kiện của doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động.

Dường như đây là sự điều chỉnh có tính chiến lược của Tổng LĐLĐ VN. Bởi so với đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho rằng, “lằn ranh đỏ” cho tăng lương chỉ được chấp nhận ở mức 14 %.

Những thông số tạm thời trên sẽ dự báo thực tế: Mức đề xuất chính thức của các bên trong phiên đàm phán chiều nay sẽ không cao như năm 2015. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đề xuất khả năng còn xa nhau.

Quy định lương tối thiểu vùng năm 2016:

Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Nhận định về phiên đàm phán lương tối thiểu hôm nay, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: “Dù sức “nóng” của đàm phán có thể không bằng các phiên của năm 2015, nhưng không vì thế mà mất đi tính cam go bởi sự va chạm quyền lợi của các bên”.

Điều này có căn cứ bởi Tổng LĐLĐ VN khi đề xuất tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ dựa vào nội dung của Điều 91 Luật Lao động.

“Điều 91 quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Luật Lao động có hiệu lực từ 1/5/2013, nhưng tới nay Điều luật này vẫn chưa được thực hiện” - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết trước đó.

Mục tiêu này càng có cơ sở vì Chính phủ vừa giao cho Bộ LĐ- TB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đề xuất phương án xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo quy định tại Điều 91, Bộ Luật Lao động.

Chính bởi vậy, mục tiêu tăng lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu - hiện còn cách nhau khoảng 20 % - là một trong những điều cốt yếu để Tổng LĐLĐ VN bảo vệ quan điểm tăng 10-11%. Vì vậy, cuộc đàm phán sẽ còn cam go” - một chuyên gia tiền lương độc lập nhận định.

Còn nhớ năm 2015, Tổng LĐLĐ VN và VCCI đều dùng quyền của mình để tuyên bố dừng cuộc họp về tiền lương tối thiểu, do chưa tìm được sự đồng thuận chung.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - chia sẻ với báo giới kỳ vọng: Việc đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ kết thúc trong 1 phiên họp.

Liệu các bên có tìm ra sự đồng thuận và kỳ vọng của Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia có thành hiện thực? Tất cả phải chờ vào kết quả phiên họp Hội đồng tiền lương Quốc gia tại Hải Phòng cuối giờ chiều nay.

Hoàng Mạnh