Sáng nay, phiên đàm phán sẽ chốt mức tăng lương tối thiểu năm 2017?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về phiên đàm phán lương tối thiểu năm 2017 diễn ra sáng nay (20/7) tại Hải Phòng, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng tính giằng co sẽ luôn được duy trì bởi quan điểm của các bên.


Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ là bao nhiêu?

Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ là bao nhiêu?

Tuy nhiên, ông Bùi Sĩ Lợi nhận xét, sự khác biệt so với Phiên đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ rõ nét hơn thể hiện trong nhận thức của các bên về tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Thưa ông, sáng nay (20/7), Hội đồng Tiền lương Quốc gia khởi động phiên đàm phán về lương tối thiểu năm 2017. Ông có nhận xét gì về sự khác biệt trong phiên đàm phán năm nay so với phiên đàm phán năm 2015?

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất cho thấy, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ và với mục tiêu năm 2016. Điều này cũng tác động đến đời sống của người làm công ăn lương, đặc biệt là việc đàm phán tiền lương tối thiểu vùng.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trong khi đó, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm 3 bên (Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN) đều có cách tiếp cận khác nhau. Đại diện cho người lao động mong muốn lương tối thiểu sớm tiếp cận mức sống tối thiểu. Đó là điều đương nhiên.

Nhưng về phía người sử dụng lao động, mục tiêu bảo đảm sản xuất có lợi nhuận cũng phải được xem xét. Qua đó mới có thể tạo nguồn việc làm ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH đóng vai trò hài hòa các lợi ích trên. Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản. Sự giằng co trong đàm phán là điều dễ hiểu.

“Trong kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu là một trong những công cụ để quản lý vĩ mô về tiền lương, giảm bất bình đẳng về tiền lương, thu nhập, chống nghèo đói, bóc lột lao động quá sức. Lương tối thiểu còn là sàn thấp nhất để người sử dụng lao động căn cứ trả lương và là lưới an toàn cho người lao động làm công ăn lương trong xã hội” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.

Nhìn nhận với tư cách chuyên gia về lao động tiền lương, ông đánh giá về "sức nóng" của phiên đàm phán tăng lương năm nay so với các phiên cùng nội dung của năm 2015 ra sao?

Sức “nóng” có thể không bằng các phiên của năm 2015, nhưng không vì thế mà mất đi tính cam go bởi sự va chạm quyền lợi của các bên.

Tôi xin phân tích thêm lý do không “nóng” như phiên của năm 2015. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội đã từng bước được tính đúng, tính đủ khiến doanh nghiệp phải chi một khoản chi phí bổ sung không nhỏ.

Và hơn nữa, các bên phần nào đã có sự chia sẻ và hiểu nhau hơn trước đây dù vẫn còn sự khác biệt.

Việc “sức nóng” đã bớt đi có thể thấy rõ ở thông tin từ phía Tổng LĐLĐ VN đưa ra trước khi đàm phán. Theo đó, mức đề xuất tăng chỉ dừng ở 10 - 11% lương tối thiểu cho năm 2017, thay cho mức đề xuất khoảng 14 % của năm trước, thưa ông?

Mong muốn tăng trên 10% là chính đáng nhưng có lẽ phải tính toán kỹ thuật cụ thể để bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên. Tôi cho rằng là bao nhiêu do 2 bên thỏa thuận nhưng nên quan tâm hơn đến người lao động.

Vì đây là tiền lương tối thiểu để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Ông Bùi Sĩ Lợi: "Tiền lương hiện chưa phản ánh được bản chất của nguyên tắc phân phối theo lao động và bảo đảm tái sản xuất sức lao động. Trong khi đó, việc bàn thảo tiền lương còn chưa căn cứ nhiều vào năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và lợi nhuận".

Trước phiên họp sáng nay, Hiệp hội Dệt may VN - một ngành sử dụng tới 2,5 triệu lao động - đã kiến nghị với Hội đồng tiền lương Quốc gia tạm không tăng lương tối thiểu năm 2017. Dù chưa thể là đại diện cho bên đại diện người sử dụng lao động, nhưng theo ông dự đoán sức nóng từ đề xuất trên có ảnh hưởng nhiều tới quan điểm của VCCI trong phiên đàm phán hôm nay?

Tôi cho rằng, đề xuất của Hiệp hội Dệt may VN với Hội đồng tiền lương Quốc gia về việc tạm không tăng lương tối thiểu 2017 sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan điểm của VCCI trong Phiên đàm phán hôm nay.

Dù có thể trước đó, VCCI đã có sự trưng cầu ý kiến của nhiều Hiệp hội để xây dựng nên các căn cứ trong đề xuất về lương tối thiểu năm 2017.

Hơn nữa, chúng ta điều biết một thực tế hiện nay: Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm là cần thiết trong bối cảnh tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh bao nhiêu là hợp lý cho năm 2017 sẽ phải được bàn thảo kỹ trong Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

Xây dựng lộ trình, bổ sung quy định về tiền lương tối thiểu

“Mới đây, Tổng LĐLĐ VN đã có đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV dự án Luật tiền lương tối thiểu. Sau khi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi thấy rằng việc xây dựng luật tiền lương tối thiểu là cần thiết nhưng trước mắt nên trình Dự án Luật sửa đổi Bộ luật lao động.

Điều này nhằm khắc phục những bất cập qua 3 năm thực thi pháp luật lao động, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP), trong đó bao gồm tiền lương tối thiểu trong chương tiền lương. Khi đủ điều kiện sẽ xây dựng Luật tiền lương tối thiểu thì phù hợp hơn” - Theo ông Bùi Sĩ Lợi.