1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Công nhân vẫn phải chi li từng đồng

Nhiều DN đã điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng vào đầu năm 2016 theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP, nhưng cuộc sống của CN tại các KCN vẫn đang hết sức khó khăn; tiền LTT vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của CN.

Phòng trọ của CN KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội). Mặc dù đã tăng mức lương tối thiểu vùng, đời sống CN vẫn rất khó khăn.Ảnh: Q.C
Phòng trọ của CN KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội). Mặc dù đã tăng mức lương tối thiểu vùng, đời sống CN vẫn rất khó khăn.Ảnh: Q.C

Hằng ngày, họ phải giải bài toán cực khó: Với số tiền lương ít ỏi, tính toán chi li cho từng khoản chi không thể thiếu của đời sống công nhân.

Vẫn tay trắng sau nhiều năm làm công nhân

Chị Nguyễn Thị Thắm cùng chồng đều là công nhân (CN) tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Anh chị đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị đã có con 3 tuổi, nhưng phải gửi về nhờ ông bà ở Thanh Hóa chăm sóc.

Chị Thắm cho biết: “Thu nhập của tôi thấp lắm. Do không làm thêm, nên chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ được 8-9 triệu đồng/tháng, trong khi có bao nhiêu thứ “hầm bà lằng” phải chi như: Tiền thuê nhà, điện nước hơn 800.000 đồng/tháng; tiền ăn uống của hai vợ chồng: 2-3 triệu đồng; tiền gửi về cho ông bà để ông bà nuôi cháu: 3 triệu đồng/tháng…”. Đó là chưa kể lúc ốm, lúc đau. Cả hai vợ chồng chắt bóp từng bữa sáng để có thêm tí tiền.

Gửi con về quê nên anh chị cũng bớt được một phần chi phí, vì nếu để con ở cùng thì phải mất 3-4 triệu đồng thuê người trông nom hoặc gửi trẻ. Còn gửi tiền về cho bà để chăm cháu, số tiền anh chị bỏ ra ít hơn mà lại an tâm nhưng sau đó là đằng đẵng ngày tháng xa con. Đến ngày lễ, tết, anh chị mới có dịp về… ôm ấp con.

Với thu nhập hạn hẹp, lại phải chi rất nhiều, nên hai vợ chồng đã lấy nhau được 3 năm nay, tha hương ở Hà Nội đã lâu mà không dành dụm được đồng nào, có được đồng nào chi tiêu hết đồng đó. Và với cuộc sống bấp bênh như vậy, dễ hiểu khi hai anh chị không định gắn bó với nghề CN lâu dài. Một vài năm làm CN, chị Thắm và chồng sẽ về quê nhưng cực kỳ khó để kiếm việc ở đó.

Khác với vợ chồng chị Thắm, vợ chồng anh Trần Viết Lượng và chị Lê Thị Na cùng làm CN, thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại đang sống cùng con. Chị Na còn đang mang thai đứa thứ hai. Với thu nhập của CN, nhưng do đang mang thai, trong người “khó ở” nên anh chị đành phải chi tiền mua điều hòa chống chọi lại cảnh nắng nóng nơi phòng trọ.

Tuy nhiên, giá điện ở khu trọ lên tới 3.000 đồng/số, nên anh chị dùng điều hòa nhiệt độ rất hạn chế, đủ mát là tắt ngay. Anh Lượng cho biết, trước chưa điều hòa nhiệt độ, mỗi tháng gia đình anh Lượng chi hơn 100.000 đồng tiền điện, nay thì hơn nhiều nên đành phải cắt khoản nọ, bù khoản kia.

Tăng lương tối thiểu, nhưng cắt giảm phụ cấp

Ban Quan hệ LĐ (Tổng LĐLĐVN) cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, việc thực hiện tăng lương tối thiểu (LTT) vùng trong năm 2016 đã được các DN thực hiện tương đối tốt. Hầu hết các DN đều có thông báo điều chỉnh, xây dựng kế hoạch cân đối nguồn tài chính và áp dụng mức LTT vùng theo quy định.

Đa phần các DN thực hiện thực hiện điều chỉnh LTT vùng từ 1.1.2016, đúng quy định. Một bộ phận DN ngoài nhà nước thực hiện việc điều chỉnh tiền LTT vùng từ tháng 3.2016, bởi thời điểm thực hiện tăng LTT vùng sát với thời điểm thực hiện chế độ thưởng tết cho NLĐ.

Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh mức LTT vùng, một số DN đã cắt giảm một số phụ cấp ngoài lương của NLĐ như: Cắt giảm tiền hỗ trợ xăng xe, tiền nhà trọ, thâm niên, tiền hỗ trợ LĐ nữ nuôi con nhỏ… so với năm 2015. Cá biệt, vẫn còn trường hợp DN chưa thực hiện việc điều chỉnh LTT vùng theo quy định; một số DN mới chỉ điều chỉnh tiền LTT cho số LĐ có mức lương thấp hơn mức LTT vùng theo quy định.

Theo đánh giá của Ban Quan hệ LĐ, mức tăng lương vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ, NLĐ ít có tích lũy. Mặt khác, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đồng thời tăng theo lương làm cho đời sống của NLĐ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với DN kể từ ngày 1.1.2016 như sau:

Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Theo Báo Lao động