(Dân trí) - Tại sao ngày nay, dân công sở hiện đại có xu hướng "sướng không thích, gặp khổ lại lao vào" khi chọn làm nhiều công việc thù lao thấp thay vì chuyên tâm cho một việc lương cao?
Lựa chọn của người trẻ: Nhiều việc thù lao thấp hơn là một việc lương cao!
Nhiều người băn khoăn khi dân văn phòng hiện đại có xu hướng "sướng không thích, gặp khổ lại lao vào" khi chọn làm nhiều công việc cùng lúc, với mức thù lao thấp thay vì chuyên tâm cho một việc lương cao.
Trong môi trường làm việc năng động hiện nay, nhân viên hướng tới đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách làm nhiều công việc khác nhau. Bên cạnh lương chính thức, hiếm người không có thêm ít nhất một nghề "tay trái", có thể là nhận các việc mang tính chất tương đồng với công việc chính, bản thân có kinh nghiệm trước đây, kinh doanh trực tuyến hoặc góp vốn đầu tư cùng bạn bè, đồng nghiệp…
Thậm chí trong trường hợp công ty chấp nhận chi trả một khoản lương khá cao để họ tập trung toàn thời gian cống hiến thì nhiều nhân viên lại thoái thác vì vẫn ưu thích phương án có một công việc lương "phải chăng" nhưng lại thoải mái để tự kiếm thêm 2-3 công việc "tay ngang", "chân phụ" khác.
"Phao cứu sinh" khi khủng hoảng, mất việc
Đợt sa thải nhân sự do khó khăn kinh tế lan đến Việt Nam củng cố thêm quan điểm, đa nguồn thu nhập vẫn tốt hơn "đặt hết một cửa", chỉ tập trung vào một nguồn thu duy nhất.
Chị Hồ Vy (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) chia sẻ: "Thời điểm đại dịch Covid-19, thu nhập của mình, từ mức lương khá cao lập tức bị cắt giảm 50%, rồi 70%, lý do người lao động phải cùng chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Công việc của mình thiên về sáng tạo nên có điều kiện thoải mái trong tư duy. Mình cũng khá tận hưởng cuộc sống với mức lương dư dả chi tiêu. Việc đột ngột bị hạ lương như thế khiến mình rơi vào cảnh khá khốn đốn, phải vay mượn bạn bè và tìm việc làm mới. Rút kinh nghiệm, sau đại dịch, mình xác định thà chịu khó làm 2-3 việc cùng lúc để cơn khủng hoảng kinh tế có ập đến thì còn xoay sở kịp…"
Chị Bảo Châu (26 tuổi, hiện đang làm công việc tự do) đề cập chuyện của bản thân: "Mình vừa rơi vào diện cắt giảm nhân sự ở công ty. Vị trí của mình chưa phải là nhân sự chủ chốt nên mình hoàn toàn hiểu được quyết định của ông chủ. Mặc dù cần phải sắp xếp tài chính nhưng may là mình vẫn còn đang nhận nhiều dự án bên ngoài để làm trong lúc tìm công việc mới nên chưa phải quá lo lắng".
Cùng quan điểm, chị Thuyên An (nhân viên văn phòng tại TPHCM) kể: "Mình nghĩ sức mạnh của các công ty lớn thì không thể chối bỏ nhưng cũng đừng vì thế mà bị đánh lừa về tính ổn định. Hiện tại, một số công ty lớn của Việt Nam đã tiến hành cắt giảm nhân sự, và nhiều người bạn của mình cũng nằm trong số đó.
Nếu chỉ tập trung nỗ lực cho một công việc duy nhất, khi nằm trong danh sách sa thải vì thời điểm hiện tại vị trí đang làm không đóng vai trò chính yếu thì dù có năng lực đến mấy, bạn vẫn thất nghiệp thôi. Làm nhiều công việc cùng lúc, dù thu nhập bị phân bố nhỏ lẻ, nhưng nếu mất cái này bạn vẫn còn cái khác trong tay để xoay sở."
Lựa chọn làm nhiều công việc để đa dạng nguồn thu nhập là cách để tránh khỏi rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính tối ưu, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Kinh nghiệm quan trọng không kém lương bổng
Mặc dù lựa chọn đa nhiệm đòi hỏi dân văn phòng phải biết cách sắp xếp thời gian, các đầu việc, điều chỉnh sức khỏe, kiểm soát tâm trạng… nhưng mọi người vẫn nghĩ lợi ích của nó mang lại nhiều hơn các bất cập.
Chị Trần Như Tường Vy (trợ lý cho một công ty nước ngoài tại TPHCM) cho biết: "Giả sử giữa một công việc cần tập trung hoàn toàn tâm trí, sức lực với mức lương 30 triệu đồng, và làm đồng thời 4 công việc với một thu nhập chính là 20 triệu và các khoản thu nhập phụ là 3-5 triệu, mình sẽ chọn làm 4 công việc cùng lúc. Ngoài đảm bảo an toàn nguồn thu, mình còn có thêm kinh nghiệm khi làm ở nhiều vị trí khác nhau, va chạm nhiều, sẽ nhanh cải thiện năng lực chuyên môn trong một thời gian ngắn".
Anh Lê Đình Thụy hiện là biên tập viên một chương trình giải trí. Với công việc luôn đòi hỏi kiến thức và trải nghiệm, anh không muốn bỏ qua bất kỳ cơ hội cọ xát nào.
"Một số công việc bên lề mà mình trải nghiệm qua như: quản lý nghệ sĩ, sáng tạo nội dung, voice talent, viết kịch bản, sản xuất kế hoạch truyền thông… Mình nhận thấy bây giờ các công ty đều cần người đa nhiệm. Việc đó đang trở thành một xu hướng. Sẽ không khó để tìm được một bài tuyển dụng đại loại như: tìm một bạn có khả năng lên ý tưởng, quay, dựng TikTok… Vì thế, những người không đáp ứng được yêu cầu, kỹ năng như thế càng dễ bị đào thải hơn. Làm đa công việc, bản thân đủ khả năng, kiến thức… sẽ không sợ bất kể tình huống xấu nào xảy ra" - Thụy nói.
Ấp ủ khởi nghiệp
Gen Z bây giờ ít áp lực chuyện kiếm tiền bằng việc khẳng định bản thân. Khá nhiều các bạn trẻ khởi nghiệp với các dự án nhỏ lẻ, tập tành kinh doanh riêng… song song với công việc văn phòng 8 tiếng/ngày.
Bên cạnh việc làm trợ lý sản xuất, chị Uyên Nhi (ngụ tại TPHCM) ôm việc kinh doanh thêm 2 cửa hàng. Mặc dù thu nhập chính của chị vẫn đến từ lương làm công nhưng chị vẫn tập tành kinh doanh thêm vì đã luôn mong muốn khởi nghiệp từ thời đại học.
"Mình bắt đầu làm từ cái nhỏ, gom góp lãi từng chút để tiết kiệm rồi đầu tư, xây dựng tiếp dự án kinh doanh này, nuôi nó lớn dần. Công việc văn phòng từ trước đến giờ mình đều xem là việc tạm thời, sẽ không gắn bó với nó mãi và chờ lương tăng theo năm tháng. Chủ động kinh doanh thêm mới có nguồn thu nhập thụ động, mình mới dám mơ đến chuyện nhà, xe được" - Uyên Nhi chia sẻ.
Thực tế đang có rất nhiều "ông sếp" trẻ ở độ tuổi gen Z. Các bạn vẫn đang là cấp dưới cho một công ty nào đó, nhưng đồng thời lại là cấp trên cho chính công ty của riêng mình. Thế hệ "vượt sướng" này có nhiều hoài bão chứng minh bản thân hơn, nên càng chọn làm đôi ba công việc để phân bổ tài chính, mở rộng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn.
Hội chứng "nghiện việc"
Chị Trần Như Tường Vy cho biết: "Hiện tại, công việc chính của mình là trợ lý phiên dịch cho giám đốc người Trung Quốc. Ngoài giờ hành chính, mình sẽ đi giảng dạy tiếng Trung cho người Việt, tiếng Việt cho người Trung và nhận biên dịch các tài liệu, thông dịch viên cho các buổi triển lãm, hội thảo, sự kiện… khoảng 2-3 lần/tháng.
Mình hầu như không có một ngày cuối tuần đúng nghĩa. Mình chỉ dành cho bản thân một buổi sáng chủ nhật để ra ngoài gặp gỡ bạn bè, thi thoảng nhận thêm việc thì bỏ qua luôn. Người thân, bạn bè sợ rằng mình kiệt sức vì kiếm tiền nhưng thật ra tiền không phải lý do để mình buộc phải hóa "ba đầu sáu tay" mà để bản thân rảnh rỗi là việc mình không chịu được. Nếu làm một công việc lương cao, dù phấn đấu cách mấy, mình vẫn bị tâm lý bản thân đang phát triển rất ít, phải luôn trong tình trạng làm việc liên tục mới an tâm rằng kĩ năng đang tiếp tục được trau dồi".
Đồng quan điểm, anh Đình Thụy cũng nói: "Mình là một người trẻ, đang ở độ tuổi ưu tiên công việc lên hàng đầu và mình rất dễ bị FOMO (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bị bỏ lỡ) nếu nhìn bạn bè đồng trang lứa và cảm thấy bản thân bị đứng lại ở một chỗ quá lâu. Vốn không ngại việc, lại muốn có nhiều trải nghiệm, vừa "lương cao", lại không bị gò bó… thì còn gì tuyệt hơn lựa chọn làm nhiều việc nếu có cơ hội đến tay. Chưa kể, tính chất công việc biên tập của mình luôn đòi hỏi sự đổi mới, kiến thức, tư duy và trải nghiệm…".
Hội chứng FOMO cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng thích chọn làm nhiều việc của dân văn phòng hiện nay. Trước thị trường lao động đầy áp lực cạnh tranh, đối mặt nguy cơ bị sa thải hiện nay, ai cũng tìm thêm việc, mình ngồi yên có nguy hiểm quá không? Trong khi đồng nghiệp xung quanh ai cũng có "nghề tay trái", mình chỉ một nghề có phải quá kém cỏi?... Có thể dân văn phòng chưa kịp "đọc vị" được nhu cầu bản thân, mà xã hội xung quanh thúc đẩy họ phải thế.
Dân công sở đa nhiệm chia sẻ, để đảm bảo bản thân có thể quản lý tốt công việc, "đúng hạn" là từ khóa cực kì quan trọng. Họ tự quy định với bản thân ở khung giờ nào sẽ tập trung giải quyết công việc, đặt ra thời gian cho mỗi công việc buộc phải hoàn thành trong thời hạn nhất định, ép bản thân vào áp lực thời gian để kiểm soát tốt hơn số lượng công việc.
Ngoài ra, phải tạo thói quen lập danh sách các công việc cần làm mỗi ngày và phân loại chúng theo thứ tự ưu tiên. Một nhân viên đa năng còn mách, hãy lựa chọn công việc phụ có thể bổ trợ qua lại cho công việc chính, như thế vừa giúp bản thân đi đúng hướng mà lại tiết kiệm thời gian.
Nội dung: Tô An