DMagazine

Gen Z bắt đầu "nhát chân"... nhảy việc, "rét" vì nguy cơ sa thải

(Dân trí) - "Bây giờ, có công việc là một dạng an toàn tâm lý tốt nhất. Việc cân nhắc khi ra quyết định nghỉ việc hiện tại hoàn toàn khác trước..." - Uyên Nhi, nhân viên một công ty truyền thông chia sẻ.

Gen Z bắt đầu "nhát chân"... nhảy việc, "rét" vì nguy cơ sa thải

"Bây giờ, có công việc là một dạng an toàn tâm lý ưu việt. Việc cân nhắc khi ra quyết định nghỉ việc ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác với năm trước..." - Uyên Nhi, nhân viên một công ty truyền thông chia sẻ.

Thế hệ Gen Z được nhiều chuyên gia nhân sự, nhà quản lý đánh giá là lực lượng lao động mang đầy "cái tôi" trong công việc. Họ bộc lộ cá tính riêng mạnh mẽ, thể hiện năng lực cá nhân tốt, nhưng cũng còn nhiều xốc nổi. 

Nếu các thế hệ 8X, 9X đời đầu thích sự ổn định, luôn đắn đo trước quyết định nghỉ việc thì đối với gen Z, "nhảy việc là để phát triển". Không khó để bắt gặp trong các hồ sơ xin việc của các gen Z, chỉ trong 3-4 năm nhưng trải nghiệm làm việc đến 5-6 công ty. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, vốn là mùa "bật nhảy" nhưng bỗng thấy gen Z... bớt năng động hẳn. 

Đòn tâm lý

Một trong những nguyên do để lớp lao động trẻ trở nên "nhát chân" hơn các năm trước là biến động trong thị trường lao động.

Tình hình mất việc, sa thải diễn ra ở cả thế giới đến Việt Nam. Alphabet - công ty mẹ của Google thông báo cắt giảm 12.000 việc làm. Microsoft cho biết sẽ sa thải 10.000 nhân sự. Yahoo thông báo kế hoạch sa thải khoảng 20%. Zoom công bố kế hoạch giảm khoảng 1.300 nhân viên. Trước đó, Amazon, Vimeo cũng thông báo có kế hoạch cắt giảm hàng chục ngàn nhân viên đầu năm 2023…

Tại Việt Nam, có những nhà máy da giày, dệt may dừng hợp đồng lao động với hàng chục ngàn công nhân. Nhiều công ty công nghệ, sản xuất và phát hành game, tập đoàn bất động sản… cũng cắt giảm kha khá nhân sự, từ cuối 2022 đến nay. Đồng thời, câu chuyện "đóng băng" tuyển dụng đã bộc lộ sau kỳ nghỉ Tết.

Gen Z bắt đầu nhát chân... nhảy việc, rét vì nguy cơ sa thải  - 1

Một thế hệ Gen Z đang bắt đầu lo sợ trước khả năng mất việc (Nguồn ảnh: Pexels).

Chị Tường Vy, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM cho biết: "Thời điểm mới ra trường bắt đầu đi làm, mình làm việc hết mình nhưng cũng ra quyết định cực kì cảm tính. Nếu có mâu thuẫn với sếp, mình sẵn sàng nộp đơn nghỉ việc vào hôm sau. Nếu cảm thấy đồng nghiệp không lành mạnh, mình hoàn toàn tách khỏi họ bằng cách từ bỏ luôn công ty. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, ngày nào cũng đọc những thông tin về tình trạng mất việc, ngay cả các công ty của bạn bè mình cũng đã triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự rồi, nên bản thân mình, dù đôi khi bất bình trong công việc cũng cố nhìn vào thực tế mà lựa".

"Bây giờ, có công việc là một dạng an toàn tâm lý cực kỳ. Việc cân nhắc khi ra quyết định nghỉ việc ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác với năm trước. Nếu 2021, mình cân nhắc nghỉ việc vì các yếu tố văn hóa doanh nghiệp, lương thưởng, tính chất công việc thì bây giờ mình phải xem xét cả tỉ lệ kiếm được việc làm mới tốt hơn có cao hay không, cơ hội việc làm bây giờ có "màu mỡ" như trước không... Tình hình sa thải nhân công hiện nay khiến mình nhận ra phần nào các công ty đang gặp khó khăn tài chính, nếu có nhảy việc chắc gì mức lương cao hơn hiện tại" - Chị Uyên Nhi, biên tập sản xuất tại một công ty truyền thông nói.

Gen Z bắt đầu nhát chân... nhảy việc, rét vì nguy cơ sa thải  - 2

Uyên Nhi chia sẻ làn sóng sa thải đã đặt nhiều bạn trẻ vào tình huống phải cân nhắc hơn cho vấn đề nghỉ việc (Ảnh: NVCC).

Không dám nghỉ việc vì ám ảnh thất nghiệp do Covid-19

Có rất nhiều bạn trẻ với quan điểm sống YOLO (you only live once - bạn chỉ sống một lần) bị khựng lại trước tình hình kinh tế chung. Với lối sống tập trung vào các giá trị bản thân, gen Z đầu tư khá nhiều tiền cho du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, vui chơi… Nếu không biết cân đối thu chi, thói quen "kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu" đặt trong tình trạng hiện tại, khi nghỉ việc, khó mà "an yên".

Chị An Nguyễn - nhân viên văn phòng tại TPHCM cho biết: "Thực ra, thu nhập của mình không cao, trung bình khoảng tầm 10-12 triệu đồng một tháng, các chi phí nhà ở, sinh hoạt, ăn uống, mỹ phẩm và các cuộc vui bạn bè cũng chỉ suýt soát đủ. Nếu nghỉ việc, khoản tiền dư nhỏ lẻ của mỗi tháng cộng lại chỉ đủ để mình cầm cự khi thất nghiệp tầm 1 tháng chứ không hơn. Hiện nay không dễ kiếm việc làm, nên nếu không có khoản tiết kiệm đủ để duy trì trong vòng 3 tháng, mình không dám nghỉ việc dù có không hài lòng với công ty".

"Mình vừa ra trường nên lương chỉ ở mức vừa đủ sống. Mặc dù mọi người xung quanh thường bảo mới ra trường cứ tự do nhảy việc để học hỏi, tìm kiếm điều mình thích nhưng thật sự mình cần phải suy tính nhiều. Mình đã bị thất nghiệp một thời gian dài vì dịch Covid -19 và phải xin bố mẹ tiền trợ cấp nên rất sợ lại bị thất nghiệp trước tình hình thị trường biến động như hiện tại" - anh Hồ Quốc Việt, 23 tuổi nói thêm.

Gen Z bắt đầu nhát chân... nhảy việc, rét vì nguy cơ sa thải  - 3

Lối sống Yolo thời điểm trước đặt nhiều bạn trẻ vào khó khăn tài chính (Nguồn ảnh: Pexels).

Theo khảo sát lương 2023 của Navigos Group dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 4.170 ứng viên, mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022 không khả quan. Lương tăng từ 5% đến dưới 10% chiếm tỷ lệ là 26,89%. Mức lương không thay đổi đứng thứ 2 với kết quả là 23,29%, lương tăng ít hơn 5% chiếm 15,3% tổng số người tham gia khảo sát.

Dễ lý giải, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang hồi phục sau đại dịch, song thị trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn phía trước nên doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách tăng lương cho nhân sự.

Tín hiệu khác, dẫu đầu năm là mùa tuyển dụng nhưng con số lương mà các đơn vị tuyển dụng kêu gọi không mấy hấp dẫn để gen Z quyết định "ra đi" mà chẳng đắn đo gì.

Chuẩn bị sẵn sàng mới ra quyết định

Dù là lực lượng lao động trẻ nhưng trải qua biến động việc làm trong hơn 2 năm đại dịch, gen Z đã thận trọng hơn nhiều trước các quyết định liên quan đến vấn đề ổn định tài chính.

Anh Quốc Việt chia sẻ: "Trước khi nộp đơn nghỉ việc, mình phải đảm bảo là bản thân đã có được thư mời nhận việc của công ty khác, tìm hiểu tình hình tài chính của công ty mới kĩ càng hoặc chí ít là đã có nguồn thu nhập khác để thay thế lương của công ty cũ".

"Mình nghĩ việc tiết kiệm rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn năm 2023 này và có thể là kéo dài đến 2024. Mình phải có một khoản tiền tiết kiệm mới đủ tự tin để thay đổi việc làm. Hơn nữa, thời điểm này, tận dụng công việc hiện tại ở công ty để xây dựng các mối quan hệ cũng rất tốt, ngoài học hỏi thì biết đâu họ còn là người mang đến cho mình những cơ hội việc làm mới, được ưu tiên với các vị trí công việc phù hợp với bản thân" - chị Tường Vy bộc bạch.

Navigos Search cũng đề xuất những giải pháp cho người lao động trong năm 2023. Trước hết là giữ một tâm thế bình tĩnh và cân nhắc các yếu tố phi tài chính ở môi trường làm việc mới sẽ ra quyết định hiệu quả hơn, ví dụ như độ tiềm năng của sản phẩm, tính bền vững của dự án hoặc cơ hội làm việc với các công nghệ tiên tiến và đối tác lớn.

Khi thị trường lao động có nhiều biến động khó kiểm soát, người lao động cần đặt bản thân trong trạng thái được chuẩn bị bằng cách chủ động trang bị cho mình các kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng giao tiếp (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh), kỹ năng quản lý đội nhóm và sự cập nhật liên tục với các công nghệ mới. Việc chú trọng vào phát triển bản thân này sẽ giúp người lao động nâng cao vị thế và giá trị bản thân khi có quyết định thay đổi công việc.

Loan Tô