Làng bún "tiến vua" nổi tiếng Bình Định hút hàng dịp Tết
(Dân trí) - Những ngày này, làng bánh - bún nổi tiếng nhất Bình Định tất bật, nhộn nhịp. Những thợ làm bún, bánh thức dậy từ nửa đêm để làm nhưng không đủ cung cấp ra thị trường.
Làng nghề truyền thống bánh - bún An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) tồn tại hàng trăm năm qua, được truyền nghề từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Làng nghề sản xuất quanh năm nhưng vào dịp Tết là thời điểm làng nghề này hoạt động nhộn nhịp nhất.
Theo UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái hiện có khoảng 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất và cung cấp đa dạng các sản phẩm bánh, bún như bánh tráng các loại, bún gạo, bún mì vàng, bún phở. Đặc biệt là bún song thằn (bún tiến vua) được làm từ đậu xanh.
Sản phẩm bánh, bún An Thái không chỉ phục vụ người tiêu dùng tại địa phương trong tỉnh Bình Định mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Gia đình ông Võ Văn Tâm (70 tuổi, ở làng nghề An Thái) là một trong ba hộ vừa làm bún song thằn, vừa làm bún gạo, mì các loại. Ông Tâm cho hay để có những sản phẩm bún trắng, dẻo dai, thơm ngon, mỗi ngày phải thức dậy từ 1h sáng để đánh bột, nhóm lò chuẩn bị cho một ngày việc mướt mồ hôi.
Theo ông Tâm, để làm ra 1kg bún đặc sản song thằn phải tốn 4kg hạt đậu xanh, xay ra được 1,2kg bột. Nếu trời nắng thì mỗi ngày gia đình sản xuất được hơn 1 tạ bún. Hiện bún song thằn bán ra 200.000 đồng/kg với người mua số lượng lớn.
"Nghề này thì làm quanh năm, nắng ngày nào thì làm ngày đó, làm để dự trữ. Vào vụ Tết, ngoài nhân công trong nhà, gia đình phải thuê thêm 3-4 lao động, tăng công suất mới có hàng bán ra thị trường. Tuy nhiên, đợt vừa rồi hơn nửa tháng trời mưa, âm u nên cũng không có hàng để bán", ông Tâm nói.
Anh Hồ Văn Rạng, chủ lò bún ở làng nghề An Thái cho hay, so với ngày thường, những ngày này gia đình anh phải làm số lượng tăng gấp đôi, từ 3 tạ bún lên 6 tạ, nhưng vẫn không đủ bán.
"Trời mới nắng mới khoảng 1 tuần này nên các lò bún, bánh tranh thủ tăng công suất, thuê thêm nhân công làm ngày làm đêm nhưng không có bún để bán cho khách hàng", anh Rạng nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi, xã Nhơn Phúc) - là một trong số ít những người còn giữ nghề tráng bánh bằng phương pháp thủ công.
Bà Hoa cho biết, trước đây, nhà nào cũng làm bánh, bún nhưng làm bằng thủ công, hiệu quả thấp thua với đi làm công nhân nên nhiều người bỏ nghề. Hiện nay, những hộ còn theo nghề thường đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Dương Thanh Cường - Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc - cho biết các cơ sở sản xuất bún bánh trên địa bàn đã giải quyết cơ bản lao động tại địa phương, nhất là lao động nông nhàn, với mức thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Xã có những chính sách hỗ trợ sân phơi và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở yên tâm sản xuất phục vụ thị trường. Cùng với đó, địa phương thường xuyên thông báo, hướng dẫn đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của làng nghề.