Nghề "hái lá ăn tiền" gần 500 năm tuổi bên sông Đáy
(Dân trí) - Được mệnh danh là "thủ phủ" lá dong miền Bắc, làng Tràng Cát màu mỡ bên bờ sông Đáy có lịch sử gần 500 năm trồng lá dong.
Miền quê xanh ngát
Về làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) những ngày cuối năm, đồng ruộng còn tất bật hơn trong khu dân cư bởi lẽ hầu hết người dân ở đây đều ở ngoài đồng chăm sóc, thu hoạch lá dong phục vụ gói bánh chưng ngày tết cổ truyền của người dân Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Nhàn năm nay 76 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở Tràng Cát cho biết, lịch sử hình thành làng cách đây khoảng 600 năm thì nghề trồng lá dong cũng đã có gần 500 năm rồi. Từ xa xưa, làng chúng tôi đã sống bằng nghề trồng lá dong, thậm chí canh tác loại cây này còn nhiều hơn trồng lúa. Nhiều nhà ở đây thường đi đong gạo ăn ở các làng lân cận.
Đi dạo một vòng quanh làng Tràng Cát, tôi cảm nhận được luồng không khí trong lành và thơm tho từ lá dong đang vào độ thu hoạch. Bất kể nhà giàu hay nhà nghèo ở làng đều có một khóm dong trồng trước sân nhà. Ngoài cánh đồng thì lá dong như những cánh đồng mẫu lớn bạt ngàn, xanh ngát như thảm lụa.
Làng Tràng Cát không phải làng duy nhất nằm bên sông Đáy, con sông thơ mộng và hiền hòa, mang đến nguồn phù sa vô hạn. Nhưng có lẽ đây là ngôi làng được sông Đáy ưu ái nhất, cuộn trọn trong một khúc vòng của dòng sông. Từ đó, những lớp phù sa liên tục được bồi đắp theo thời gian cùng với lượng nước tưới dồi dào giúp cho lá dong Tràng Cát có chất lượng vượt trội hẳn so với lá được trồng ở nơi khác.
Theo ông Nhàn, không giống như lúa hay các loại hoa màu khác, trồng lá dong khá nhàn. Củ dong cắm xuống đất một lần có thể cho thu hoạch hàng chục vụ, đến khi cảm thấy chất củ đã xơ, già mới cần thay bằng lớp củ khác. Khâu chăm sóc cũng đơn giản, chỉ cần tưới nước, bón phân, làm cỏ đúng định kỳ thì sẽ thu được lá dong đẹp cho ngày tết cổ truyền. Hiện, cả thôn Tràng Cát có khoảng gần 60 mẫu trồng lá dong, gia đình nhiều có 5-6 sào, ít thì khoảng 1-2 sào.
Bà Phạm Thị Đào, 72 tuổi, dí dỏm: "Chúng tôi thường gọi vui nghề trồng lá dong là nghề hái lá ăn tiền. Bởi ngoài lá thì cây dong không cho quả, củ không dùng được. Giá trị kinh tế của cây chỉ ở mỗi lá. Năm nào nắng ít thì lá đẹp còn nắng nhiều thì lá dễ bị cháy. Trải qua bao thăng trầm của thị trường, lá dong vẫn luôn là cây trồng chủ đạo ở Tràng Cát chúng tôi".
Nhiều người dân Tràng Cát cho biết, năm nay thời tiết ổn định, không có những đợt nắng nóng dài ngày nên lá dong phát triển tốt. Vừa rồi đã có một số chuyến hàng chuyển đi nước ngoài, phục vụ bà con Việt kiều ăn tết, gói bánh chưng xa xứ. Còn thị trường trong nước, từ rằm tháng Chạp đến 30 Tết mới vào cao điểm mùa vụ.
Lá dong Tràng Cát có hình bầu, không dài như lá dong rừng nên dễ gói bánh. Ngoài ra, lá dong Tràng Cát xanh mướt, dai, có bản to, cuống lá xanh mà không bị sẫm, đen như lá dong rừng nên bánh sau khi luộc có màu xanh non, tươi và rất rền bánh... Lá dong giờ thu hoạch quanh năm chứ không riêng gì ngày Tết bởi nhu cầu gói bánh chưng thường nhật của người dân. Ngoài ra, lá dong còn để gói nhiều thứ bánh khác như bánh dày, bánh xu xê phục vụ cưới hỏi.
Mối tình không dứt
Cách đây vài năm, ở Tràng Cát xuất hiện trào lưu trồng cây ăn quả thay thế lá dong để có lợi nhuận cao hơn. Người dân phần lớn đều tin rằng, với chất đất tốt ở Tràng Cát thì cây ăn quả chắc chắn sẽ phù hợp. Việc trồng lá dong cũng tốt nhưng chưa đủ sức để làm giàu cho cả ngôi làng. Một số người hoài cổ đã nghĩ về viễn cảnh Tràng Cát sẽ không còn cây dong nào trong tương lai không xa...
Vậy là rất nhiều thửa ruộng dong hàng trăm năm tuổi bị phá bỏ, thay thế bằng cam Canh, bưởi Diễn... Nhưng, vì thiếu kiến thức, chạy theo thị hiếu, đồng thời cam Canh, bưởi Diễn không hợp chất đất nên quả không đẹp như người dân kỳ vọng.
Nhận thấy mối lương duyên giữa mảnh đất Tràng Cát và lá dong không thể bị thay thế, khoảng 3 năm trở lại đây, dân làng đã quay lại trồng lá dong. Những hộ gia đình chưa phá bỏ dong, sẵn sàng chia sẻ giống dong với các hộ đã trót phá bỏ để thay bằng cây ăn quả. Thế là lá dong lại phủ màu xanh ngát trở lại khắp đất vùng bãi ven sông Đáy.
Ông Trịnh Văn Thủy, một nông dân trồng lá dong kể, thời điểm nhiều hộ thuê máy về xúc đất, phá dong tự nhiên, nhiều người dân làng cảm thấy hụt hẫng. Bao đời nay, người dân Tràng Cát sống bằng cây dong mà bỗng nhiên gần nửa diện tích dong bị thay thế.
Tiếc loại cây trồng đã gắn bó nhiều đời, ông Thủy xin hết gốc dong về ruộng dong nhà mình. Về sau, một số hộ quay về trồng dong, ông Thủy lại đào lên tặng lại củ để trồng.
Những năm gần đây, lá dong Tràng Cát không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất bán đi nhiều nước trên thế giới để cung cấp cho người Việt ở nước ngoài làm bánh chưng đón Tết cổ truyền. Điều này vừa giúp bà con Việt kiều nếm đủ hương vị tết Việt tại nơi xứ người vừa giúp phần quảng bá văn hóa cổ truyền Việt Nam tới bạn bè trên thế giới.
Ông Phạm Thanh Nhàn giải thích, thị trường lá dong cũng có nhiều "phân khúc", loại đẹp lên đến gần triệu đồng/trăm lá. Bình quân mỗi sào lá dong có thể thu được 20 triệu đồng/vụ, hiệu quả hơn hẳn trồng lúa mà mất ít công chăm sóc.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lá dong vẫn luôn được xem như là linh hồn và là loài cây không thể thay thế của đất Tràng Cát nói riêng và của người Việt Nam nói chung, là một phần tạo nên tinh hoa văn hóa dân tộc thông qua món bánh chưng và Tết cổ truyền. Dường như đã có sự sắp xếp của tự nhiên để làng Tràng Cát sống và yêu nghề trồng lá dong như máu thịt, để đây vẫn là sinh kế quan trọng với người dân, là động lực giữ gìn nghề đến muôn đời sau.
Văn Công