1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm gì để đứng giữa 2 làn đạn mà không bị “thương tích”?

(Dân trí) - Tôi đang gặp tình huống khó xử trong công việc. Hai người anh chơi thân giờ trở thành đối địch. Cả hai đều là sếp của tôi. Gay cấn hơn, tôi nhận được tín hiệu phải dứt khoát chọn về bên nào. Trong khi đó, tôi chỉ muốn đứng giữa 2 “làn đạn”.


Ảnh có tính minh hoạ

Ảnh có tính minh hoạ

Hơn 2 tháng nay, nhân sự khối kinh doanh trong công ty đang chứng kiến căng thẳng giữa 2 sếp: Trưởng phòng kinh doanh và Phó tổng phụ trách khối kinh doanh.

Trước đó, cả 2 vị trên từng là đồng nghiệp khá thân thiết với tôi trong công ty. Thủa đó, người là trưởng phòng, người là phó phòng kinh doanh, còn tôi là lính trơn trong phòng.

Khi có quyết định bổ nhiệm anh trưởng phòng lên phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh, như một hiệu ứng đô - mi - nô, phó phòng lên chức trưởng phòng còn tôi được đưa lên chức phó phòng.

Xin nói thêm, môi trường công ty nơi chúng tôi làm là tư nhân. Do vậy, việc sếp tổng bổ nhiệm thực sự dựa trên hiệu quả làm việc, không hề có chuyện “đi đêm” hay lợi ích nhóm như một số nơi khác.

Tuy nhiên, sự phức tạp cũng bắt đầu từ đây.

Sếp phó tổng mới muốn thể hiện năng lực và hình ảnh thông qua nhiều đề xuất thay đổi hoạt động của mảng kinh doanh theo hướng nhanh chóng và khá may rủi. Ý tưởng mới gặp sự phản kháng từ nhiều phòng ban, trong đó có cả sếp trưởng phòng của tôi. Tất nhiên, quyết định phản ứng lại một phần cũng vì quyền lợi cá nhân của ông anh trưởng phòng bị ảnh hưởng.

Từng thân thiết, ban đầu 2 anh em ngồi trao đổi riêng với nhau nhưng rồi không tìm ra tiếng nói chung. Khi đem sự việc ra tới cuộc họp, lời qua tiếng lại, hoá ra vẫn chỉ có 2 sếp này tranh luận nảy lửa tới cùng.

Từ công việc bất đồng dẫn tới bế tắc trong quan hệ cá nhân nhanh như chớp. Hai ông anh của tôi từng thân thiết nay đã là những người đối đầu. Trong cuộc họp không thiếu cảnh người ra ý kiến, người phản bác kịch liệt.

Là người em của các anh, tôi đã nhiều lần can ngăn. Lúc gặp chung cả hai nhưng cũng không nói được lâu. Khi thì gặp riêng từng người. Tuy nhiên, không những chưa thấy có hiệu quả, tôi còn bị các ông anh ép buộc phải về phe của riêng mình để có thêm sự ủng hộ.

Nhưng ủng hộ thế nào, ủng hộ ai vì cả 2 người đều là đàn anh của tôi? Liệu tôi có nên ủng hộ anh Phó tổng để “lật kèo” ông anh trưởng phòng? Hay tôi sẽ cùng “chiến hào” với ông anh trưởng phòng trực tiếp để đối đầu với anh phó tổng?

Điều gì nên và không nên?

Sự việc đã diễn ra hơn 2 tháng và tới nay vẫn chưa có hồi kết. Với tôi, cuộc đối đầu giữa 2 người đàn anh từng thân thiết với nhau là chuyện buồn.

Hơn thế nữa, tôi còn phải đau đầu khi muốn tránh khỏi lôi kéo từ phía họ.

Các bạn hãy cho tôi xin 1 lời khuyên: Cần làm gì để nối lại tình thân thiết của 3 anh em như xưa? làm sao để các ông anh có thể cùng hoà hợp để góp sức phát triển công ty? Hay là tôi nên chọn 1 cách ứng xử mới để phù hợp với tình thế này?

Trần Trọng Minh (Đống Đa, Hà Nội)