Nguy cơ thất nghiệp đang tới, tôi sẽ phải làm gì?
(Dân trí) - Cơ quan thuộc mô hình hạch toán độc lập, có thu nhưng càng hoạt động kém hiệu quả. Những người giỏi lần lượt ra đi. Tôi kỳ vọng ngày tươi sáng nên nấn ná ở lại nhưng tình hình giờ đã quá khó khăn. Nguy cơ thất nghiệp đang hiện hữu, vậy tôi phải làm gì đây?
Cách đây hơn 10 năm, tôi từng tự hào vì được trở làm một thành viên của cơ quan. Điều đó dễ hiểu bởi danh tiếng và chế độ phúc lợi khá tốt của cơ quan. Nhưng giờ đây, như một đồ thị lên xuống theo hình Sin, tình hình đã thay đổi chóng mặt.
Lĩnh vực hoạt động của cơ quan không còn là thế mạnh trên thị trường nữa. Uy tín, thu nhập của cơ quan đang đi xuống. Trong khi đó, nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực vươn lên. Thị phần hoạt động kinh doanh của chúng tôi ngày càng hẹp.
Chưa kể cơ quan lần lượt thay đổi lãnh đạo. Mỗi vị lãnh đạo mới lên đều tuyên bố sẽ lấy lại uy tín một thời của cơ quan nhưng chúng tôi vẫn dài cổ và tình hình đang tụt hậu.
Nhiều nhân sự giỏi đã ra đi vì: Thu nhập thấp, uy tín cơ quan tụt giảm, bất đồng quan điểm với sếp và cũng có nhiều cơ hội tốt hơn mời gọi…
Riêng tôi thì vẫn muốn ở lại để chờ đợi một ngày tươi sáng trở lại của cơ quan. Một mặt là tôi đã gắn bó cả tuổi trẻ ở đây. Niềm tự hào, đam mê một thời máu lửa của tôi đã dành cho cơ quan. Thậm chí, có lúc tôi nghĩ sẽ cố gắng gắn bó làm việc ở đây tới khi nhận sổ hưu.
Để có thể trụ lại, tôi cũng phải làm này nọ bên ngoài để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc này sẽ khó lâu dài vì ảnh hưởng tới công việc, sức khỏe của tôi.
Nhưng tình hình ngày càng đi xuống. Do khó khăn, cơ quan ngày càng phải cắt giảm nhân sự. Tôi có nguy cơ nằm trong số nhân sự bị cắt giảm thời gian tới. Một nỗi buồn không hề nhỏ.
Thực sự là tôi cũng không phải là người an phận chờ đợi cái gì đến sẽ đến, nhưng để chủ động nói lời chia tay với một nơi đã gắn bó bao tình cảm với mình, đâu có dễ.
Theo các bạn, tôi nên xác định hướng đi thời gian tới như thế nào?
Lê Trình (Quận 1. TPHCM)