1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khó tuyển người vì khoản... thưởng Tết

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người lao động "nhảy việc" thời điểm cuối năm thường cộng cả khoản thưởng Tết dự kiến của họ vào thu nhập khi thỏa thuận lương với doanh nghiệp mới, khiến việc đàm phán rơi vào bế tắc.

Quý cuối năm thường là thời gian cán bộ tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp đau đầu nhất. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp tăng cường sản xuất để hoàn thành các đơn hàng, chốt doanh số năm tài chính… nên nhu cầu nhân sự tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

Trong khi đó, lượng nhân sự mới gia nhập thị trường lao động đã được hấp thu gần hết trong quý II và quý III (học sinh THPT và sinh viên ra trường) khiến việc tuyển dụng nhân sự đã có tay nghề, chuyên môn "nhảy việc" càng khó khăn hơn trong việc đàm phán lương.

Khó tuyển người vì khoản... thưởng Tết - 1

Thời điểm cuối năm, việc đàm phán lương thường rất khó khăn (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).

Bà Trần Thị Diệu, quản lý nhân sự tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trụ sở ở quận 12, TPHCM cho biết: "Sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp tìm được khoản đầu tư mới để đẩy mạnh mảng đào tạo nghề, cần tuyển nhiều nhân sự có chuyên môn về truyền thông, công nghệ mà khó quá. Cả tháng qua phỏng vấn rất nhiều mà người "chốt" việc rất ít".

Theo bà Diệu, nhiều nhân sự đến phỏng vấn, nhà tuyển dụng rất hài lòng về chuyên môn, ứng viên cũng yêu thích điều kiện làm việc của doanh nghiệp nhưng đến khâu đàm phán lương thì gặp vấn đề.

"Với những ứng viên có chuyên môn tốt, Giám đốc công ty đã cho tôi quyền đàm phán mức lương vượt khung, cao hơn mức lương mà nhân sự đó đang hưởng 10-15%. Tuy vậy, hầu hết ứng viên đều từ chối vì họ cho là mức tăng này không đủ hấp dẫn nhưng cao hơn nữa thì doanh nghiệp khó mà chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng đến quỹ lương chung của công ty trong năm sau", bà Diệu chia sẻ.

Theo các chuyên gia tuyển dụng, mức lương cao hơn lương cũ 10-15% là phù hợp đối với nhân sự "nhảy việc", thường dễ dàng đạt được thỏa thuận giữa 2 bên. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm thì mức tăng này lại khó thành công vì vướng phải… tiền thưởng Tết.

Bà Đặng Thị Thái Hòa, Giám đốc bộ phận tuyển dụng của Adecco Việt Nam, giải thích: "Các ứng viên thường cộng thêm khoản tiền thưởng cuối năm dự kiến của họ khi đàm phán lương cho công việc mới".

Với những nhân sự chuyên môn cao ở các doanh nghiệp, các khoản tiền thưởng mà họ nhận được trong dịp tết (tết Dương lịch, lương tháng 13, tết Nguyên đán, thưởng thành tích, thưởng doanh số…) đều ở mức gấp mấy lần tiền lương hàng tháng, có nơi bằng cả năm lương.

Do đó, vào thời điểm cuối năm, người "nhảy việc" thường đắn đo, tiếc khoản tiền thưởng Tết và tính toán cộng cả khoản này vào mức lương mới khi đàm phán lương làm tỷ lệ tăng lương mong muốn của họ cao hơn bình thường. Thậm chí, có ứng viên còn thương lượng với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng về một khoản tiền thưởng khi ký hợp đồng lao động chính thức thay thế cho khoản tiền thưởng Tết ở nơi cũ.

Trong trường hợp doanh nghiệp từ chối mức lương quá cao, không có cơ hội phù hợp thì ứng viên thường lựa chọn ở lại công ty cũ, chờ đến năm sau tìm cơ hội mới. Chỉ có những nhân sự chịu quá nhiều áp lực ở môi trường làm việc cũ mới đánh đổi lợi ích để "nhảy việc", hoặc họ phải tìm được một vị trí mới phù hợp với kế hoạch phát triển sự nghiệp về lâu dài.

Theo bà Thái Hòa, đây chính là nguyên nhân khiến thị trường tuyển dụng giảm nhiệt vào thời điểm cuối năm dù đúng lúc nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Để nâng cao hiệu quả và đảm bảo quá trình tuyển dụng diễn ra suôn sẻ trong thời điểm cuối năm, cả nhà tuyển dụng và ứng viên nên thẳng thắn trao đổi với nhau về nhu cầu và kỳ vọng của mình.

Bà Đặng Thị Thái Hòa cho rằng: "Nếu không có sự thẳng thắn ngay từ đầu, hai bên có thể phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc thảo luận. Để tiết kiệm thời gian và đạt được kết quả mong đợi thì trao đổi thẳng thắn chính là yếu tố quyết định".