"Nhảy việc" đang trở thành thói quen "mỗi tháng một lần" của Gen Z?
(Dân trí) - Xu hướng nghỉ việc ở thế hệ gen Z (1997-2012) đang có xu hướng tăng vọt sau khi thời kỳ Covid-19 qua đi. Các bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm và lý do với việc "nhảy việc" của họ.
Theo Anphabe, (đối tác của Linkedln - mạng xã hội việc làm có độ phủ sóng toàn cầu), trào lưu nghỉ việc ồ ạt" đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2021 khi báo cáo của Microsoft cho thấy có tới 42% người đi làm trên thế giới chia sẻ rằng họ đang có ý định "nghỉ việc", ngay cả khi tình trạng thất nghiệp đang leo thang trên toàn thế giới do ảnh hưởng của Covid-19.
Đến tháng 12/2021, khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe cũng "cảnh báo" tình trạng này đã lan tới Việt Nam khi tỷ lệ người đi làm đang tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%.
Mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới LinkedIn chia sẻ một hiện tượng đáng chú ý: đó là các thành viên trên mạng xã hội này ngày càng cởi mở đăng tải thông điệp "Open to Work - Đang tìm việc làm mới" trên profile - hồ sơ cá nhân của họ.
Thời điểm tháng 4/2022, có tới 260.000 trong số gần 4 triệu thành viên tại Việt Nam đã cập nhật trạng thái "Open To Work".
Bước sang 2022, nhất là sau quý I, khi đã nhận lương thưởng, những hoạt động tìm kiếm công việc mới này đã nhanh chóng chuyển thành thực tế nghỉ việc rất cao được ghi nhận tại các doanh nghiệp - cao nhất so với ba năm trở lại đây. Trong đó, ngành Pháp lý, Nhân Sự, Marketing có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất lên đến hơn 40%, người lao động càng trẻ - tỷ lệ nghỉ việc càng nhiều, con số lên đến 36%.
Theo Cấn Ngọc Oanh, sinh viên năm 2 của trường Cao đẳng FPT Polytechnic, vì muốn trải nghiệm và tiếp thu được càng nhiều kiến thức thực tế sẽ càng có lợi cho công việc sau này nên cô đã đi làm ngay từ cuối học kỳ 1 năm nhất sau khi tham gia trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa, tổ chức phi chính phủ, tình nguyện với định hướng là trải nghiệm theo chiều ngang.
Oanh chia sẻ, cô ý thức được việc tự chủ tài chính cá nhân khá sớm vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên việc tham gia vào thị trường lao động sớm so với bạn bè trang lứa ngoài để trải nghiệm được nhiều, bên cạnh đó gia đình chính là động lực to lớn để cô phát triển.
Nữ sinh 19 tuổi bộc bạch, cô đã từng ứng tuyển và được nhận vào các vị trí như: Thực tập sinh content marketing, cộng tác viên (CTV) PR. Ngoài ra cô còn ứng tuyển vào khá nhiều các vị trí khác nhau nhưng không nhận được phản hồi cho vòng đầu hoặc không vượt qua vòng phỏng vấn như: Thực tập sinh Account, Thực tập sinh Marketing, CTV truyền thông nội bộ.
Cô chia sẻ, những lý do từ chối được bên phía công ty thông báo rằng "ngại" nhận một sinh viên năm nhất vào làm, lo lắng vì chưa đủ kiến thức, khó cân bằng giữa công việc và học tập.
Nguyên nhân khác từ phía cá nhân ứng viên theo Oanh chia sẻ, vì tuổi còn trẻ, thường có xu hướng thể hiện năng lực, cá tính bản thân nên cô mong muốn tìm được một môi trường là bước đệm giúp cô phát triển và công nhận những giá trị, công sức mà cô đã tạo ra.
Chính vì vậy khi cảm thấy môi trường không phù hợp với mong muốn, sếp không hợp với cách suy nghĩ và làm việc của cô, định hướng phát triển của công ty/ doanh nghiệp không thay đổi hoặc tạo hòa nhập khi tuyển dụng những nhân lực trẻ sẽ là những lý do chính khiến cô "nhảy việc".
Trong thời gian đi làm ở những công ty cũ, Oanh chia sẻ, thời gian đầu khá ổn, cô vẫn làm tốt việc và trách nhiệm của mình được giao nhưng sau đó nhiều vấn đề xảy ra với bộ phận khác. Dựa vào tính cách của cô, khi cảm thấy về lâu dài không ổn cô sẽ lập tức nghỉ việc ngay trong thời gian thử việc. Trung bình cứ một tháng cô sẽ xin nghỉ và tìm kiếm một môi trường mới.
Khi phỏng vấn Oanh thường nói rõ ràng những quan điểm, nguyện vọng của mình một cách rõ ràng nhằm để nhà tuyển dụng nắm bắt và quyết định nhận cô vào làm.
Ngay khi nghỉ việc tại cơ quan cũ, cô nữ sinh sẽ cố gắng review lại bản thân, xác nhận vấn đề do kĩ năng, thái độ hay do bản thân cô chưa đủ kiến thức bước chân vào môi trường công sở.
Tuy nhiên, cô bộc bạch :"Đôi khi phần nhỏ nguyên nhân sẽ thuộc về phía mình, ngoài ra còn nhiều yếu tố tác động khác như là môi trường làm việc không phù hợp, không phải môi trường mà em mong muốn mình có thể cống hiến tại đó... và cảm thấy khá stress vì mọi người vẫn đang di chuyển, còn mình em đang dậm chân tại chỗ" nên cô tiếp tục tìm những công việc mang tính thử thách cao hơn.
Nhảy việc vì thu nhập
Cũng giống như nhiều bạn gen Z khác, Lê Đức Thành sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế quốc dân và từng là thí sinh của Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ, anh cũng thường xuyên chuyển đổi công việc.
Bên cạnh vì thu nhập không đủ đáp ứng, anh muốn có thêm trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực để tìm ra công việc phù hợp nên mỗi công việc anh chỉ gắn bó trong vòng 2-3 tháng, số ít công việc trong 2 tuần.
Nam sinh luôn quan niệm rằng, mình chỉ có 4 năm học đại học nhưng có tận 40 năm đi làm nên muốn tận dụng quãng thời gian này để có thật nhiều trải nghiệm, va chạm trong nhiều môi trường, nhiều lĩnh vực trau dồi vốn sống của bản thân.
Bên cạnh đó anh cũng nhận thấy có nhiều lý do khách quan như công việc không phù hợp, thay đổi trong lịch học hay đợt giãn cách xã hội năm ngoái buộc anh phải xin nghỉ.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, nam sinh cho biết, anh từng làm nhân viên bán hàng của một công ty vàng bạc, làm trợ lý kinh doanh của trung tâm tiếng Anh, công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, cung cấp dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó anh còn trải nghiệm qua việc tư vấn viên và nhân sự tại công ty tài chính bảo hiểm của Mỹ, Nhật.
Nam sinh 20 tuổi chia sẻ :"Thường mình đáng giá một công việc dựa trên các tiêu chí như tính chất công việc, thu nhập, quyền lợi được nhận, cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và thời gian tối đa mình có thể dành cho công việc.
Rất nhiều công việc yêu cầu mình phải làm thêm ngoài giờ làm việc, trong khi mình vẫn phải chú tâm đến việc học tập và phát triển các kỹ năng khác.
Điều đó nhiều khi làm mình rất áp lực và buộc phải thay đổi. Trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần đầu làm việc mình đã có thể đánh giá công việc có phù hợp hay không, nhưng thường mình sẽ để mốc thời gian 1-2 tháng để đánh giá có nên tiếp tục gắn bó với công việc không. Và mình nghĩ hầu hết các công ty cho ứng viên một tháng để thử việc trước khi quyết định có nên tiếp tục hợp tác".
Nhiều yếu tố quyết định nghỉ việc
Theo bạn Trần Lê Thảo Nguyên, nhân viên tại một tổ chức về nhân sự cho giáo viên nước ngoài khẳng định, yếu tố quyết định một công việc phù hợp và lý tưởng dựa trên: môi trường vui vẻ hòa đồng, sếp tốt, lương ổn, chế độ tốt, đặc biệt sếp hay cấp trên như thế nào môi trường và nhân viên cũng có xu hướng tương tự như vậy.
Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, Nguyên bộc bạch, vào năm 2020 cứ hai tháng cô lại đổi công việc một lần vì cơ quan có vấn đề nội bộ, gặp khó khăn trong tài chính nên họ ưu tiên đuổi nhân viên mới hoặc do quản lý yếu kém, kế hoạch nhân sự không rõ ràng hoặc do những yếu tố khách quan nên cô quyết định nghỉ hoặc bị cho nghỉ.
Thảo Nguyên chia sẻ, sau khi quyết định nghỉ việc cũ, cô chuyển hướng làm công việc khác, ngành khác, cụ thể là ngành dịch vụ sau 2 năm lăn lộn, hoạt động trong ngành giáo dục.
Theo số liệu từ các khảo sát của Anphabe cho thấy: tỷ lệ những người đã nghỉ việc muốn chuyển sang ngành khác rất cao. Trung bình cứ 10 người nghỉ việc, có 4 người muốn chuyển sang ngành khác (chiếm 40%). Trong đó, cao nhất đến từ ngành Viễn thông (66%); Du lịch (54%); Điện tử (53%); Vật liệu (53%); Quảng cáo (51%)…
Thảo Nguyên cũng cho biết, trong ngành Giáo dục cô đã từng có kinh nghiệm làm việc trong 2 năm, cụ thể là giáo viên trung tâm Tiếng Anh bị nợ lương rất nhiều, quá bất ổn nên cô không muốn tiếp tục làm, bên cạnh đó công việc đòi hỏi khá nhiều sự tương tác với người khác nên cô đã bị kiệt sức. Khi công việc mới đến với cô khá tình cờ nên cô nghĩ không phải dễ hay khó, mà nhờ cơ duyên.
Chia sẻ về lực lượng nhân sự tại công ty nơi Nguyên đang làm việc, số lượng gen Z kinh nghiệm dưới 2 năm rất nhiều. Đặc điểm của lao động đang ở độ tuổi này là chưa định hướng chính xác về lựa chọn nghề nghiệp, chưa quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, mắc sai lầm nhiều, hay dễ chán vì mọi thứ không như kì vọng nên cô đánh giá việc nhảy việc khá bình thường.
Bên cạnh đó, thời thế hiện nay đã khác, việc toàn cầu hóa mở ra nhiều ngành nghề mới và hình thức làm việc mới du nhập vào Việt Nam, những cá nhân gen Z tài giỏi, xuất sắc lại càng có nhiều lựa chọn.
Bên cạnh về số lượng lớn gen Z như hiện nay, theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, thế hệ này sẽ trở thành thế hệ lao động chính của thị trường lao động, theo Nguyên đánh giá, gen Z ít vướng bận hơn, có thể chạy deadline thâu đêm. Những người trong độ tuổi như gen Y có nhiều nỗi lo hơn về kinh tế, gia đình và cuộc sống.
Phân tích về ưu và khuyết điểm của gen Z trong thị trường việc làm hiện nay, nữ nhân viên cho biết, gen Z có ưu điểm là rất nhiệt huyết, tự tin, năng động và cháy hết mình nhưng bên cạnh đó cũng có khuyết điểm là cả thèm chóng chán. Nhưng đó là đặc điểm và để thay đổi đặc điểm của một thế hệ gần như không thể, chúng ta chỉ có thể thích ứng với nó.
"Mình tuyển mấy bạn mới ra trường, training và đào tạo cũng gian nan lắm nhưng biết sao được? Có hàng tá lí do để 1 nhân sự rời đi. Đôi khi mình không thể kiểm soát được, mình chỉ có thể làm đúng và làm tốt, cư xử công bằng thôi".
Theo Anphabe, nguyên nhân cho tình trạng nghỉ việc ồ ạt và người ra đi cũng không mặn mà "giữ quan hệ tốt" với công ty cũ là do mức độ gắn kết của người đi làm Việt Nam đang thấp chưa từng có.
Trong đó, các biểu hiện thiếu tích cực nhất bao gồm việc người lao động thấy mơ hồ về tương lai tại công ty; không tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi khi đi làm; bị mệt mỏi và thiếu tinh thần để làm tốt công việc.
Chính vì vậy doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tuyển dụng nên học cách làm sao để gen Z có thể hòa nhập tốt thay vì đi than vãn, hay chê bai. Các hoạt động có thể tổ chức để gắn kết lao động là xây dựng những cuộc khảo sát, teambuilding gắn kết nhân sự và tạo động lực cho nhân viên khi làm việc.