Nhảy việc ồ ạt: Người lao động "sục sôi" tham vọng học cao
(Dân trí) - Hiện nay, cứ 10 người thì có tới 6 người chủ động tìm kiếm công việc mới, đặc biệt trong bối cảnh người lao động bị "mất điểm tựa" sau đại dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi cần tích cực nâng cao các kỹ năng chuyên môn thông qua việc học tập trọn đời.
Bước chuyển mình sau đại dịch - "Cầu" nhiều hơn ở người đi làm
Theo Tổ chức Lao động Thế Giới (International Labor Organization), số lượng người thất nghiệp trên toàn cầu đã có sự tăng vọt từ 186 triệu người vào năm 2019 lên đến 207 triệu vào năm 2022.
Do đó, các nhà phân tích đều cho rằng tỷ lệ nghỉ việc từ những người đang đi làm sẽ giảm bởi tính bấp bênh của thị trường, song thực tế lại không diễn ra theo đúng kịch bản đã dự báo trước. Cụ thể, theo TopCV - một trong những công ty Nhân sự hàng đầu Việt Nam, dự tính có đến 94,6% người lao động sẵn sàng "nhảy việc" ngay cả khi đang có việc làm.
Xu hướng "nhảy việc" ồ ạt đang diễn ra một cách phổ biến, song chính xu hướng này cũng khiến bộ phận người đi làm nhận ra họ cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn đa dạng hơn nữa. Thực tế cũng chỉ ra rằng một bộ phận giới trẻ hiện nay mong muốn được làm nhiều hơn một chuyên ngành chính. Điều này đòi hỏi mỗi người cần nâng cao, phát triển bản thân thông qua việc học tập trọn đời.
Từ đây, họ mong muốn có một hình thức học tập hiện đại vừa hiệu quả về chất lượng vừa đáp ứng được thời gian của người đi làm - Học tập trực tuyến.
Theo New York Times, đến năm 2020, có 37,2% sinh viên đã tham gia ít nhất một khóa học đào tạo đại học từ xa. Riêng tại Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng sinh viên quan tâm đến việc học đại học trực tuyến đã tăng gấp nhiều lần. Cụ thể theo thông tin mà Onschool (đơn vị hợp tác với nhiều trường Đại học triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến) cung cấp, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã thu hút hơn 100.000 người đăng ký tham gia.
Đánh giá về nhu cầu học đại học trực tuyến của sinh viên hiện nay, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh tại Onschool chia sẻ: "Hiện nay, tỷ lệ số sinh viên học thực tế trên tổng số quan tâm đã gấp 3 lần so với 5 năm trước. Điều này chứng tỏ người học đã nhìn nhận nghiêm túc về việc nâng cao trình độ của bản thân để đáp ứng xu thế thị trường lao động."
Đồng quan điểm, bà Hà Thị Ngọc Anh - đại diện Trung tâm Dịch vụ Sinh viên cho biết: "Vấn đề nhìn nhận nghiêm túc việc nâng cao trình độ thể hiện ở thực trạng: Trước đây, người học chỉ quan tâm đến việc hoàn thành chương trình học để đủ điều kiện phục vụ công việc. Nhưng hiện tại, họ mong muốn có một lộ trình rõ ràng, kiến thức thực tế và đặc biệt là dịch vụ quản lý học tập giúp nâng cao chất lượng đầu ra tăng tính cạnh tranh."
Có thể thấy, nhu cầu học đại học của người đi làm ngày càng tăng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các mô hình cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến nhiều hơn.
E-Learning - Mô hình "Cung" Học tập trực tuyến
Theo báo cáo của Vietnam EdTech & E-Learning, tổng đầu tư vào thị trường EdTech toàn cầu năm 2021 tiếp tục phá kỷ lục với 53.68 tỷ USD. Không nằm ngoài xu thế đó, trong năm 2021, EdTech là lĩnh vực thuộc top 3 ngành các nhà đầu tư quan tâm và rót vốn, thuộc top đứng đầu trong top 8 ngành đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam.
Nhờ sự phát triển rộng rãi này, người học đang dần quen và thích ứng với phương pháp E-Learning. Với phương pháp này, người học được tiếp cận với việc học nhiều cấp độ, nhiều kỹ năng thông qua hình thức trực tuyến, trong đó có thể kể đến việc học đại học trực tuyến.
Song, trước những hiệu ứng truyền thông trái chiều về hình thức này, nhiều người băn khoăn và đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực tiễn mà hình thức này đem lại.
Theo ý kiến của TS. Dương Hoài Giang Hà - Giám đốc Đào tạo của We Master - Đối tác Đào tạo toàn cầu Microsoft Education: "Điều mà người học cảm thấy lo ngại chính là rào cản khi không được tương tác trực tiếp với giảng viên khi có những vấn đề khó hiểu. Hay thiếu tính thực tiễn trong các bài học nhất là đối với các chuyên ngành cần người học tham gia thực hành."
Không chỉ vậy, nhiều ý kiến khác còn cho rằng, việc học đại học trực tuyến không hiệu quả do người học không dành quá nhiều sự tập trung khi vừa đi làm vừa đi học.
Để khắc phục những khó khăn trên, TS. Dương Hoài Giang Hà cũng chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, việc học Đại học trực tuyến đang dần tiếp cận được nhiều người học và khắc phục được những hạn chế trên. Cụ thể, với rào cản thiếu đi sự tương tác, một số trường áp dụng hình thức học đại học trực tuyến này đã khắc phục bằng cách mỗi khóa học sẽ có 2-3 buổi tương tác trực tiếp với giảng viên. Ngoài ra với khó khăn thiếu đi sự tập trung, một số trường đại học đang triển khai và áp dụng dịch vụ quản lý học tập giúp chăm sóc, hướng dẫn, đồng hành cùng người học."
Về vấn đề thiếu tính thực tiễn, trên thị trường đang có một số đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo kết hợp với các trường đại học như FUNiX, Skill Lab (Onschool). Chương trình được xây dựng với mục đích trang bị cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng, kiến thức thực tế và cơ hội được chuyên gia doanh nghiệp cố vấn khi có vấn đề phát sinh để tự tin tham gia nhận việc tại các công ty hàng đầu.
Chính sự phát triển của các hình thức học tập trực tuyến đã giúp người đi làm có thêm phương pháp học tập tiện lợi, đồng thời mở đường cho xu thế giáo dục hiện đại mới của thời đại công nghệ trong tương lai.