Tăng lương tối thiểu cần "đính kèm" điều kiện ổn định giá cả

Lê Hoa

(Dân trí) - Khi công bố tăng mức lương tối thiểu, UBND TPHCM đề xuất Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát.

Thu nhập từ lương không theo kịp tăng giá

UBND TPHCM cho biết, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đã giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Liên quan đến việc điều chỉnh tiền lương của người lao động, TPHCM lưu ý việc thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh để bù đắp chi phí tăng tiền lương.

Theo UBND TPHCM, việc rà soát, đánh giá tình hình và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu được Chính phủ thực hiện định kỳ hằng năm. Nguyên tắc áp dụng tiền lương tối thiểu không thay đổi nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật kịp thời và điều chỉnh tiền lương của người lao động phù hợp với tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Qua ghi nhận báo cáo, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động , trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, UBND thành phố cho rằng, việc thực hiện quy định về mức lương tối thiểu và quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội đã làm tăng chi phí đóng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh không tăng, lợi nhuận không tăng, nhất là trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là áp lực cho các doanh nghiệp phải tính toán, cân đối kỹ lưỡng để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, khi người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương thì không bắt buộc phải gửi về cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thành phố Thủ Đức nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Điều này dẫn đến việc cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong việc nắm bắt, theo dõi việc xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp.

Đơn vị này ghi nhận, nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương (trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương), tuy nhiên thực tế không áp dụng.

Cụ thể, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mà không nâng bậc lương cho người lao động theo thỏa thuận.

Tăng lương tối thiểu cần đính kèm điều kiện ổn định giá cả - 1

Các địa phương đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu vùng (Ảnh minh họa).

Từ đó, dẫn đến người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng vẫn xếp vào bậc 1 của thang lương, bảng lương, cách tính lương, nâng lương của doanh nghiệp chủ yếu theo khả năng, năng lực người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do chủ sử dụng lao động tự quyết định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định. Đồng thời, điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. Do đó mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.

Linh hoạt về nhân sự nhờ trả lương theo giờ

Theo UBND TPHCM, việc sử dụng lao động theo giờ giúp doanh nghiệp có sự linh hoạt về nhân sự. Doanh nghiệp có thể tăng lượng công nhân khi tới mùa cao điểm và giảm bớt nhân sự khi đã qua giai đoạn cao điểm. Tuyển dụng lao động theo giờ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc tuyển dụng lao động lâu dài.

Thay vì việc phải trả lương theo tháng thì với lao động theo giờ chỉ cần trả lương theo giờ làm việc. Hơn nữa, việc thuê lao động theo giờ sẽ hạn chế được các chi phí liên quan như bảo hiểm, ngày nghỉ, lễ tết, ốm đau,...

Lao động theo giờ thường làm việc trong thời gian ngắn hạn, gấp rút và hiệu quả công việc được đánh giá trên chỉ tiêu, con số. Vì vậy, họ sẽ tập trung làm việc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc cho doanh nghiệp.

Giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp trong công việc của họ và không cần cam kết. Nếu lao động đó làm tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giữ họ lại làm việc lâu dài hoặc đảm đương một vị trí trống trong thời gian doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự cố định. 

Tuy nhiên, khi nhân viên làm việc trả lương theo giờ làm việc cùng với nhân viên cố định, với cùng một công việc trong cùng một khoảng thời gian. Nhưng lại không nhận được những lợi ích tương tự. Điều này có thể dẫn tới phát sinh mâu thuẫn.     

Đề xuất giữ nguyên vùng áp dụng lương tối thiểu

Trước bối cảnh các doanh nghiệp và người lao động gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 và tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, UBND TPHCM đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động, kết nối cung cầu lao động, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động.

Khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.

Qua tổ chức lấy ý kiến, UBND TPHCM thống nhất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu như hiện nay, cụ thể: thành phố Thủ đức, các quận và 04 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I; huyện Cần Giờ thuộc vùng II. Theo đó, huyện Cần Giờ vẫn giữ áp dụng mức lương tối thiểu vùng II.