1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đời nữ phu vác cá

Phu chẻ đá, phu đốn củi nhiều nơi có, nhưng nghề phu nữ vác cá thì hiếm nơi nào có một đội quân hùng hậu như ở Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa. Hàng trăm cuộc đời nghèo, chìm nổi theo những con cá khổng lồ.

Có người thường xuyên bị tai nạn vì những chú cá khổng lồ này quá nặng so với sức của họ. Có những phu nữ, cả đời phải tá túc trong những căn nhà xập xệ để mưu sinh.

Mong cá đầy khoang

Mới chỉ cách đây 2 năm, nghề đặc biệt này chưa hình thành ở Hòn Rớ, nhưng khi những chuyến đánh bắt gần bờ mà phụ nữ có thể đảm nhận không còn nhiều nguồn lợi hải sản nữa, đi chuyến nào hầu như lỗ chuyến ấy thì hàng trăm phụ nữ làm nghề tự do và cả những phụ nữ trong các xóm chài quần tụ dọc cảng Hòn Rớ hàng ngày đều chầu chực những chuyến tàu đánh bắt xa khơi về.

Từ những con tàu đầy ắp cá mập, cá ngừ, cá nhám… hàng tạ, họ phải khuân, vác chúng lên những chiếc xe tải hoặc vào khu sơ chế ngay bên cạnh cảng cá. Công việc nặng nhọc là vậy nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, nếu vác cật lực thì mỗi ngày cũng chỉ được trên 100 nghìn đồng.

Chị Lê Hạnh, quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, thở hắt ra vẻ mệt mỏi cho biết: “Quần quật vác cá cả ngày nên chẳng biết cuộc sống đổi thay như thế nào nữa. Cả năm có khi chỉ xem ti vi vài lần thôi. Tôi trước đây đi bán vé số nhưng nghề ấy giờ cũng khó làm ăn nên chuyển về đây gia nhập đội quân nữ bốc vác cá thuê. Quanh năm ngửi mùi tanh của cá, có những lúc khắp khuôn mặt còn bị văng đầy máu và các chất nhầy tanh từ cá nhưng cũng không có thời gian mà rửa ráy vì còn phải tập chung bốc vác mẻ khác cho kịp chuyến hàng”.

Đời nữ phu vác cá - 1

Chị Nguyễn Thị Mận cũng vậy. Nhà làm nghề chài lưới nhưng quanh năm lỗ, chồng chị ra khơi lại bị tai nạn phải nằm liệt một chỗ nên chị chỉ còn cách đi vá lưới thuê và bốc vác cá mà thôi. Những ngày bốc vác nhiều hôm mệt quá về chỉ tắm rửa qua loa rồi đi ngủ, nửa đêm tỉnh dậy vẫn thấy mùi tanh của cá quanh mình. Nhiều phu nữ khác cũng cho biết, quanh năm vác cá, máu cá văng vào người nên mùi tanh ám vào người mãi cũng thành quen.

Mà có tắm rửa cũng không tài nào hết được bởi như nó đã ám vào người vậy. Chị Hạnh tâm sự: “Những ngày đầu khi tham gia đội quân bốc vác cá tối về ngủ 2 đứa con nhỏ cứ kêu mẹ tanh quá, toàn mùi cá thôi. Nhưng dần dần các con tôi cũng quen với mùi tanh từ việc quanh năm bốc vác cá của mẹ”.

Nghề cực nhọc và bèo bọt là vậy nhưng không phải lúc nào cũng có việc mà làm. Công việc của các phu nữ bốc vác cá này đều phụ thuộc cả vào những con tàu vươn khơi xa. Chị Trần Thị Hà đã bốc vác cá ở đây từ những ngày đầu tiên đội phụ nữ này hình thành cho biết, mỗi chuyến tàu đánh bắt xa khơi, người nhà của các ngư chài thì ngóng người thân về, còn các chị thì ngóng cá, mong cá đầy khoang để được vác cá.

Nếu những chuyến tàu thất thu cũng đồng nghĩa với việc các chị không có việc làm và lại phải tiếp tục ngóng tiếp. Những chuyến tàu thất thu, có khi đội phu nữ vác cá còn buồn hơn các chủ tàu cả. Thế nên nhiều lúc tàu cá đi biển thất thu hay thua lỗ, thay vì trả công bằng tiền, họ lại trả bằng… cá. Nỗi lo của những người vác cá chính là mùa mưa bão, những lúc biển động không có cá để các chị hành nghề.

Có một điều tôi ấn tượng với đội phu nữ vác cá này là họ không giành giật khốc liệt lẫn nhau. Chị Hà bộc bạch: “Cực lắm rồi nên mọi người nhường nhịn và cùng nhau mà làm việc, chứ không ganh đua hay xí phần gì cả. Cực chẳng đã mới phải lao vào cái nghề này mà thôi chứ nào có ai muốn!”.

Nổi trôi những phận người

Mới đợt cuối năm 2014, chị Hà còn gặp một tai nạn gãy tay và gãy xương quai hàm. Chị kể: “Mùa giáp Tết có vài chuyến tàu về đánh bắt thắng lợi, lượng cá nhiều nên cần bốc vác gấp, mới 3h sáng chúng tôi đã phải làm việc. Toàn những con cá vài tạ, da chúng trơn, sàn cảng cá cũng trơn nếu sơ ý là ngã dập mặt xuống ngay”.

Đời nữ phu vác cá - 2

Lần ấy chị bị ngã, con cá mập gần một tạ đè lên người. Việc phu nữa bị tai nạn do ngã trong quá trình bốc vác cá khủng ở đây thì gặp như cơn bữa. Có người 1 năm bị gãy tay mấy lần. Còn chị Nguyễn Thị Lụa cũng buồn buồn cho biết: “Từ giữa năm 2014 đến nay tôi đã bị gãy tay 2 lần rồi. Cả 2 lần đều vận chuyển những con cá hàng tạ. Không vác lên vai được, không khiêng được nên đành ôm vào người, cảng cá trơn quá nên ngã ngay xuống nền xi măng, bị gãy tay”.

Bi thảm nhất có lẽ là gia đình chị Lê Thị Hậu. Chị tâm sự, gia đình nghèo, cả hai vợ chồng trước đây đều làm nghề tự do sau đó chồng bị bệnh tim không làm được việc nặng nên đành nghỉ ở nhà, còn chị thì đi bốc vác cá. Giữa năm 2014, chị cùng một phu nữ khác cùng khiêng chú cá nặng hơn 100kg, nền cảng cá quá trơn, trong lúc đang đưa cá lên container thì bị trượt chân ngã ngửa, đầu đập xuống đất, chấn thương nặng, tốn bao tiền bạc mà đến giờ cứ trở trời lại đau nhói. Ám ảnh quá nên bây giờ đi vác cá chị phải đội thêm cả mũ bảo hiểm.

Sau khi bán hết tài sản quý giá trong nhà để chạy chữa cho lần tai nạn vì vác cá và trượt ấy, gia đình chị Hậu đành chuyển ra dựng một cái lều tạm ngay mép biển ở cảng Hòn Rớ để mưu sinh qua ngày. Hai đứa con của chị đều đang là học sinh tiểu học, tương lai đều dựa vào những ngày vác cá nhọc nhằn của mẹ. Bện cạnh nhà chị Hậu, chị Trần Thị Thanh cũng vậy.

Chị Thanh cho biết: “Tôi từ miền Bắc vào làm nghề phụ hồ nhưng giờ nhiều công trình không cần phụ nữ nữa nên đành tham gia đội quân bốc vác cá này. Công việc cực nhọc lắm, nhưng vẫn phải làm. Không đủ điều kiện sinh sống trên bờ nên gia đình tôi dựng tạm cái lều ở mé biển này để mưu sinh. Nếu khi không có cá để bốc vác thì tôi đi gom phế liệu kiếm ngày mấy chục nghìn”. Nhiều gia đình khác cũng chung cảnh ngộ như nhà chị Thanh. Chị Thanh bộc bạch, chẳng mong đổi đời được với nghề này, chỉ mong khi bốc vác những chú cá khủng không bị tai nạn và thế hệ con cháu mình sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH mới đây quy định danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm. Trong đó có việc cấm phái yếu vác nặng trên 50kg, nhưng vì miếng cơm các chị vẫn làm “cửu vạn” mưu sinh.

Chiều cửa biển đầu thu, gió biển thổi vào khiến tiết trời se lạnh, có chị mang sẵn ấm trà nóng, vừa đợi tàu vừa tâm sự với nhau chuyện chồng con, nhà cửa. Thấy bóng tàu vào bờ, không ai bảo ai, hàng chục phụ nữ chia ra từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4 người, lội ra biển ngâm mình dưới nước để khuân cá vào bờ.

Theo An ninh Thủ Đô