1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhọc nhằn nữ tài xế xe ôm

Nghề lái xe ôm tối ngày “phơi” mặt ngoài trời, “đo” độ dài của đường và “đo” cái nắng mưa của thời tiết mà thường chỉ có người đàn ông chịu được. Thế nhưng không ít người phụ nữ đang làm công việc ấy, bởi mang nặng trên vai hai chữ mưu sinh.

Nữ tài xế xe ôm đón khách tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội).
Nữ tài xế xe ôm đón khách tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

"Không lam lũ, ai nuôi con cho tôi"

Dạo một vòng bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), tôi thấy có hai người phụ nữ đang mải miết mời khách đi xe. Thấy tôi đến, chị tưởng tôi muốn đi xe nên chào hỏi rất nhiệt tình: “Em về đâu? Để chị chở đi. Chị lấy rẻ thôi. Nắng nôi thế này về nhanh kẻo ốm, em ạ”.

Đó là Nguyễn Thị B (35 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định). Dưới cái nắng như đổ lửa của đầu hè, chị B vẫn cần mẫn tìm khách đi xe. Cho đến khi chị chở khách quay lại bến, tôi mới có dịp bắt chuyện với chị. Chị cũng đã trải qua rất nhiều nghề từ buôn đồng nát, bán hoa quả đến làm ôsin… rồi bây giờ chị dừng lại ở nghề tài xế xe ôm.

Kể về cuộc đời mình, chị B buồn rầu: “Tôi chọn nghề này cũng như cực chẳng đã. Tôi làm nhiều nghề nhưng đều từ bỏ, đi buôn đồng nát thì không có lãi, làm ôsin thì bị người ta khinh thường, coi mình không bằng người. Thế nên ở xóm trọ, mấy anh làm xe ôm giúp tôi ra đây chạy xe kiếm tiền để gửi về quê cho con. Tôi lấy chồng từ năm 1999 đến nay có ba đứa con.

Trước chồng tôi vẫn đi làm, nhưng hai năm trở lại đây bệnh nặng, phải ở nhà. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên tôi. Tôi không cho gia đình nội ngoại ở quê biết tôi làm xe ôm đâu, nếu biết họ sẽ bắt tôi về. Mà về quê thì lấy gì nuôi con tôi ăn học? Ở nhà bây giờ mỗi đứa con tôi gửi nhờ một nơi. Hằng tháng tôi vẫn gửi tiền về đóng học phí và tiền sinh hoạt cho các cháu. Lâu lâu tôi mới về, mỗi lần về chỉ dăm ba ngày. Về ở lâu thì lấy tiền đâu mà tiêu. Nhiều lúc nhớ con cũng chỉ biết gọi về nghe chúng nói dăm ba câu, tủi thân tôi lại khóc”.

“Tôi là người đàn ông rồi”

Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi từ một nữ tài xế lái xe ôm tên Phùng Thị Xuân, 47 tuổi, quê Thanh Hóa. Hiện tại chị đang chạy xe ôm tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Chị có làn da ngăm đen, khuôn mặt góc cạnh đầy sương gió, chiếc quần đã sờn vải, cùng chiếc áo chống nắng ngả màu.

Kể về “cái duyên” đến với nghề xe ôm, chị Xuân tâm sự: “Chồng tôi mất cách đây 11 năm. Một mình tôi nuôi hai đứa con. Chúng nó lớn lên, lấy vợ, gả chồng xong thì tôi lên đây làm. Ở quê cũng chẳng còn ai, con cái thì chúng còn có gia đình của chúng. Mình không làm gánh nặng được. Từ khi lên đây tôi làm nhiều nghề lắm: Đi chợ bán hoa quả, bán trà đá, phụ xây… đến bây giờ thì chuyển sang lái xe ôm. Nghề nào cũng vất vả, chọn lái xe ôm là đường cùng rồi đấy.

Nhưng được cái thoải mái về thời gian, không gò bó. Cái nghề này cũng lấy phúc là nhiều. Mấy hôm trước, có một bà cụ từ quê lên thăm con ở viện, vừa xuống bến đã bị kẻ gian móc mất túi tiền. Tôi đã chở giúp bà cụ đến Bệnh viện Bạch Mai. Bù lại tôi được tiếp xúc với nhiều người, được nói chuyện, được tâm sự với họ trên đoạn đường đi. Như thế với tôi là hạnh phúc lắm”.

Chị Xuân trầm ngâm: “Cũng nhiều người khuyên tôi nên đi lấy chồng để về già còn chăm nhau. Nhưng tôi nghĩ, lấy chồng bây giờ thì người ta có giống mình không? Hay lại gặp phải người nghiện rượu, chè… rồi mình lại khổ. Nên tôi ở một mình thôi. Tôi là một người đàn ông rồi, không phải đàn bà đâu! Đợt gần tết, trong một lần chạy xe ôm, tôi bịt kín mặt, có người còn bảo tôi rằng “Anh ơi, tết năm nay anh có cho vợ con anh ra chơi không? Tôi bảo không, rồi bỏ khẩu trang ra thì người đó giật mình".

Lúc nào cũng “tất bật” là hai từ để tôi miêu tả về những người tài xế nữ. Họ là trụ cột trong gia đình mình, với cuộc sống không có lấy một ngày bình yên và không ngừng nghĩ về chuyện mưu sinh, tiền gạo.

Theo Báo Lao động