Phận nữ công nhân xa chồng

Khi đã lập gia đình, những nữ công nhân (CN) luôn mong được gần chồng, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Tuy vậy, do mưu sinh, không ít nữ CN trong các KCN phải sống xa chồng, một mình “thân cò” nuôi con với chồng chất những vất vả, khó khăn.

Một nữ công nhân KCN Bảo Minh (Nam Định) phải xa chồng, nuôi con một mình với rất nhiều nỗi khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Ảnh: Quế Chi
Một nữ công nhân KCN Bảo Minh (Nam Định) phải xa chồng, nuôi con một mình với rất nhiều nỗi khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Ảnh: Quế Chi

Vừa là mẹ, vừa là bố

Chị Vũ Thị P (30 tuổi) - CN tại KCN Bảo Minh, Nam Định - lấy chồng năm 23 tuổi. Trước đây, hai vợ chồng cùng làm trong KCN An Xá, nhưng khi KCN Bảo Minh đi vào hoạt động, chị P xin về làm để gần nhà hơn và tiện chăm sóc cho con. Hai đứa con đang tuổi ăn học, trong khi thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ vẻn vẹn 6 triệu đồng. Chồng chị P quyết định đi XKLĐ tại Nhật Bản, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn.

Chị P hay cười và luôn tỏ ra lạc quan, nhưng ít ai biết, đằng sau đó là nỗi khổ tâm trong lòng. Chị P tâm sự: “Từ ngày anh ấy đi cũng được hai năm có lẻ. Quãng thời gian ấy, tôi vừa làm mẹ, vừa làm bố cho 2 đứa con”. Căn phòng ba mẹ con chị thuê chưa đầy 10m2 với chút đồ đạc gồm giường, bếp gas, hai cái nồi. Chị đi làm tối ngày, chỉ bữa tối tranh thủ nấu cơm cho các con.

Chị P kể, “Những hôm mưa to, giông bão, sấm sét ầm ầm, ba mẹ con tôi sợ quá, ôm nhau khóc rồi cả đêm không ngủ được. Hay lần đứa bé thứ hai nhà tôi ốm, sốt virus... phải cho đi viện ngay giữa đêm khuya, một mình tôi đã đưa cháu đi, rồi mấy ngày sau đó nghỉ làm để chăm cháu”.

Cũng như nhiều phụ nữ xa chồng khác, nỗi nhớ người “đầu ấp, tay gối” với mình luôn âm ỷ trong chị. “Hồi chồng tôi mới đi XKLĐ, lúc đó tôi chưa có smartphone với những ứng dụng gọi điện miễn phí như bây giờ, nên một năm vợ chồng chỉ gọi cho nhau được vài ba lần. Những dịp lễ tết hay ngày kỷ niệm, nhìn mọi người có đôi có cặp tôi cũng ghen tị và tủi thân lắm. Có lần, nhớ chồng quá, tôi đã gọi điện cho anh rồi khóc trong điện thoại, đòi chồng về. Nhưng sau đó bình tĩnh hơn, tôi đã xin lỗi và nói với anh ấy cứ yên tâm làm việc…” - chị P nói.

Xa chồng, nuôi con một mình, chị gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười. Chị kể, có anh đồng nghiệp thích, tán tỉnh chị và nói rằng chồng đi làm ăn xa như thế sẽ không giữ được mình, rồi sẽ bỏ tôi... “Những chuyện như thế, tôi đều kể cho chồng nghe khi gọi được cho anh. Anh luôn khuyên tôi cố gắng trong mọi hoàn cảnh, và tin tưởng anh” - chị P kể.

Chờ ngày “tái hợp”

Trường hợp của chị P không phải là hiếm. Chị Hoàng Thị H (CN KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng có hoàn cảnh rất éo le. Chị H mới lập gia đình, nhưng chồng chị vẫn đang làm tại Thanh Hóa (quê anh), còn chị đi làm CN xa xứ.

“Cũng muốn sống gần nhau lắm, nhưng chưa “hợp lý hóa” được. Anh ấy làm nghề điện nước tự do, tôi bảo anh ấy lên cùng ở với tôi, nhưng anh ấy bảo là đã quen làm ở dưới đó, với các mối khách hàng đã xây dựng nhiều năm nay rồi. Công việc đang thuận lợi, suôn sẻ, giờ bỏ đi làm nơi khác, xây dựng lại từ đầu thì rất phí, lại mất công, thu nhập chắc chắn sẽ giảm nên đành chấp nhận xa nhau một thời gian rồi sẽ “tái hợp” sau” - chị H chia sẻ.

Hai anh chị đã có với nhau cháu trai 6 tháng tuổi kháu khỉnh. Phải xa chồng, rất may là có mẹ chồng ra nhà trọ ở cùng chị để chăm sóc cháu, nếu không, chị không biết xoay xở như thế nào.

Từ Thanh Hóa về Hà Nội khá xa, thu nhập của hai vợ chồng hạn hẹp. Mỗi tháng, chị H được 5 triệu đồng tiền lương, còn của anh nhỉnh hơn chút đỉnh nhưng phập phù, nên 2-3 tuần anh mới ra thăm vợ con.

“Tôi rất biết ơn mẹ chồng đã ra đây chăm sóc mẹ con tôi, nhưng dù sao mẹ cũng là phụ nữ. Mẹ không thể làm được những công việc phải có bàn tay của đàn ông, đơn cử như việc nhỏ là đóng cái đinh, sửa cái quạt điện… Ngay cả khi có sự hiện diện của chồng cũng làm mình yên tâm, vững dạ, yên tâm, tinh thần thoải mái hơn” - chị H chia sẻ.

Chị dự định sẽ làm CN một thời gian nữa rồi về quê kiếm việc để được gần chồng, chăm sóc con. Nhưng từ giờ cho tới lúc đó, chị vẫn phải chịu cảnh “có chồng mà chẳng được gần chồng”, với bao nỗi vất vả, lo toan hằng ngày. Chắc chắn, trong các KCN, còn rất nhiều hoàn cảnh như chị P, chị H, tuy chưa có một khảo sát đầy đủ.

Theo Báo Lao động