Doanh nghiệp rời bờ vực phá sản nhờ nhân sự giỏi, sẵn sàng hóa "rắn vàng"
(Dân trí) - "Biến nguy thành cơ" từ những khó khăn trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã cùng chuyển mình, thay đổi, vực dậy ngoạn mục trong năm 2024 và sẵn sàng hóa "rắn vàng" trong năm 2025.
Tháng 6/2023, anh Nguyễn Văn Giang (36 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương), Trưởng bộ phận sản xuất & kho vận tại Công ty CP gỗ Việt Âu Mỹ (tỉnh Bình Dương), bất chợt hay tin công ty sắp đóng cửa một nhà máy. Chỉ vài tháng sau, tổng giám đốc điều hành lại tổ chức họp, thông báo sẽ đóng cửa thêm một nhà máy nữa.
Lúc ấy, anh Giang không còn bất ngờ. Bởi ở vị trí quản lý, anh tự mình chứng kiến nhà máy nhiều khi không có nổi một đơn hàng, rơi vào cảnh im lìm chưa từng thấy.
Từ một quản lý lương cao, đủ sức lo cho vợ con và bố mẹ ở quê, anh Giang rơi vào cảnh bị giảm 30% thu nhập, cắt thưởng và các phúc lợi liên quan. Nhưng anh vẫn chấp nhận gồng gánh, nhắn vợ ở quê nhà tìm việc, phụ anh nuôi gia đình, để anh nuôi hi vọng được cùng công ty vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn.
Bởi nếu nghỉ việc tại đây, anh cũng không chắc bản thân có thể được nhận vào làm ở nơi khác với vị trí tương đương.
"Lần đầu tiên tôi chứng kiến tổng giám đốc hôm nào cũng xuống tận xưởng làm việc cùng anh em. Có hôm, anh ấy còn không về nhà, ngủ lại xưởng luôn", anh Giang bộc bạch.
Anh Giang là một trong những lao động hiếm hoi vẫn giữ được việc trong "làn sóng sa thải" năm 2023. Trong khi đó, rất nhiều người lại không sở hữu may mắn ấy. Nam quản lý nhớ rõ như in khoảnh khắc không kiềm được nước mắt khi nhìn bóng lưng những đồng nghiệp thân thiết lặng lẽ rời nhà máy vì hết việc.
Đến giờ, anh Nguyễn Công Chính (40 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) vẫn ám ảnh khi nhắc lại khoảng thời gian bỗng dưng thất nghiệp, phải chạy vạy làm đủ thứ nghề, kiếm "ba cọc ba đồng" nơi "đất khách quê người".
Anh đã có gần 20 năm làm việc tại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất TPHCM, với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng. Mất việc, nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhỏ với hai vợ chồng, 2 con và lo cho ba mẹ già ở quê đột ngột đứt quãng.
Mất việc, không có bằng cấp, tay nghề cao để xin việc ở nơi khác, tối nào anh Chính cũng ăn vội ổ bánh mì rồi lật đật bật app (ứng dụng) gọi xe, bắt đầu "ca" xe ôm đêm, đến tờ mờ sáng.
Những giấc mơ phải khép lại
Anh Chính là 1 trong số gần 1,07 triệu người lâm vào tình trạng thất nghiệp trong năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năm 2023, lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng và tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm, tình hình lao động, việc làm trong nước vẫn gặp nhiều hạn chế.
Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27%, tăng so với năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Số lao động không được sử dụng hết tiềm năng là khoảng 2,3 triệu người, khiến cung và cầu lao động bị "lệch pha". Điều này cho thấy thách thức trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Vì thế, trong trường hợp người lao động không có trình độ chuyên môn cao bất ngờ bị mất việc, chuyện họ khó tìm được một công việc mới ổn định là điều dễ hiểu.
Trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định cơ cấu lực lượng lao động trong nước chưa cân đối, đặc biệt là lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và có kỹ năng còn thấp, cần được điều chỉnh.
Năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định thị trường lao động trong nước đối mặt với những thách thức đến từ tốc độ già hóa dân số nhanh; lao động di cư, phi chính thức; tác động của biến đổi khí hậu; sự chuyển đổi thị trường lao động khu vực nông nghiệp sang công nghiệp.
Thách thức đến từ vấn đề lao động là một trong những rào cản lớn, ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau giai đoạn Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ Việt Âu Mỹ (VAM), tiết lộ rằng giữa năm 2022, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến ngành gỗ nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung bắt đầu nhen nhóm những khó khăn đầu tiên.
"Dòng tiền doanh nghiệp tắc nghẽn. Các ngân hàng siết hạn mức tín dụng, giải ngân chậm, lãi suất tăng cao nên dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng. Đối tác xin khất nợ dài hạn dẫn đến nợ xấu. Thị trường thì cạnh tranh về giá, hoạt động kinh doanh bắt đầu ghi nhận khó khăn khi báo cáo lỗ 10% trên doanh thu. Trong đó, nhân sự là một trong những vấn đề khiến chúng tôi đau đầu nhất", ông Tuấn cho biết.
Những tưởng đây chỉ là khó khăn nhất thời, nhưng ông Tuấn phải thừa nhận rằng khoảnh khắc bước sang năm 2023, ông mới thấm thía cảnh ngành gỗ rơi xuống "đáy". Quý đầu trong năm 2023, vị lãnh đạo ngỡ ngàng khi báo cáo doanh thu giảm 45%, lỗ trong 1 tháng bằng mức tổng lỗ 1 năm so với lúc trước.
Ông Tuấn hằng ngày phải xuống tận nhà máy, bày tỏ hết nỗi lòng để mong người lao động có thể cùng đồng hành, tìm cách vượt qua khó khăn.
Chỉ trong vài tháng, VAM phải tinh giản 40% nhân sự. Người lao động nếu muốn được giữ lại phải đồng ý đảm nhận cùng lúc nhiều đầu việc, chấp nhận bị cắt hoàn toàn các mức thưởng và các phúc lợi liên quan. Hay tin những nhân sự nằm trong danh sách bị sa thải phải chật vật tìm công việc mới vì chưa kịp được công ty đào tạo tay nghề, ông Tuấn không khỏi xót xa.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc, cho hay sau đại dịch Covid-19, dệt may lại là ngành nghề đầu tiên chịu nhiều thay đổi tiêu cực.
Năm 2023, doanh thu và số lượng đơn hàng bất ngờ giảm hơn 30%. Công nhân không được tăng ca nên thu nhập bị ảnh hưởng. Vì thế, lượng lớn nhân công đã quyết định rời nhà máy, tìm sang công ty hoặc khu công nghiệp ở tỉnh, thành khác, thậm chí là về quê sinh sống.
Ông Trần Thanh Sơn chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên nhân sự trở thành vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp.
"Trong giai đoạn Covid-19, một lượng lớn người lao động nhập cư tại TPHCM đã trở về quê sinh sống. Đến nay, họ đã có thu nhập ổn định, không có lí do gì họ phải quay lại TPHCM đắt đỏ. Các tỉnh, thành phố xung quanh cũng dần có nhiều khu công nghiệp, đón đầu nguồn lao động khắp nơi đổ về, tạo nên sự thách thức về lương, chế độ đãi ngộ để thu hút người lực", ông Sơn nhận định.
Đến đầu năm 2024, công ty ghi nhận đơn hàng tại nhà máy có dấu hiệu phục hồi, nhưng không tài nào cam kết với đối tác vì tuyển mãi không đủ nhân công.
Dù công ty đã cam kết đảm bảo tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (trong đó 25% thu nhập đến từ việc tăng ca) nhưng vẫn khó tuyển người.
"Chúng tôi đã mở rộng thêm 2 chuyền sản xuất, dự định mở thêm 2 chuyền nữa nhưng phải hủy bỏ kế hoạch vì không tuyển được người. Công ty gọi điện cho người lao động mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà thêm một thời gian nữa để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người thậm chí nói thẳng sẽ đi làm lại nếu công ty không ký hợp đồng", ông Sơn nói.
Công ty gọi điện cho người lao động mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà thêm một thời gian nữa để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người thậm chí nói thẳng sẽ đi làm lại nếu công ty không ký hợp đồng.
Ngoài ra, ông Sơn nhận định, một trong những khó khăn trong việc tuyển dụng chính là sự ổn định nơi ở của người lao động.
"Nhiều người đã ở tại một quận, huyện nào đó lâu năm, con cái đã học hành ổn định ở nơi đó nên rất ngại chuyển đến nơi khác. Nhiều nhà máy tại các quận, huyện khác sa thải hàng loạt lao động, nhưng chúng tôi vẫn không tuyển được nhân công mới", ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho hay may mặc là lĩnh vực tuyển dụng không đòi hỏi nhiều tiêu chí nên tỉ lệ nghỉ việc cao. Bởi người lao động quan niệm, việc ứng tuyển quá dễ dàng, họ có thể thoải mái lựa chọn công ty, thời gian đi làm trở lại. Từ đó, tay nghề của người lao động không đạt chất lượng, dẫn đến hoạt động sản xuất đang khó khăn lại càng thử thách hơn.
"Tỉ lệ nghỉ việc ở nhà máy trong 3-4 năm qua rất cao, đã đạt bằng số lao động hiện tại. Người lao động xin nghỉ việc với những lí do vô cùng khó hiểu và khó lường, chẳng hạn như vì vướng bận gia đình", vị trưởng phòng nhân sự nói.
Nhân sự quyết định "sống - còn" của doanh nghiệp
Theo ông Tuấn, nhân sự là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản. Bởi nếu doanh nghiệp nâng cao được trình độ chuyên môn và thúc đẩy tinh thần từ sớm cho nhân sự, việc tập thể cùng nhau vượt qua khi khó khăn bất chợt ập đến là điều không khó.
Hơn nữa, trong trường hợp người lao động không còn làm việc tại đây, họ vẫn có thể dễ dàng tìm một công việc tốt hơn, dù thị trường lao động gặp biến cố.
Khi rơi vào tình cảnh khó khăn, tôi nhận ra nhân sự chính là chìa khóa quan trọng để công ty thoát khỏi bờ vực phá sản.
Đầu năm 2024, VAM quyết tâm chuyển đổi số và kiên trì 6 tháng đào tạo lại tất cả người lao động trong công ty. Nhờ đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, ông Tuấn cho hay đơn vị tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành.
"Thời gian đầu, công ty gặp không ít khó khăn do một số nhân sự lớn tuổi còn e ngại trước công nghệ. Nhưng khi tập thể mạnh dạn thay đổi, họ bắt buộc phải thích ứng theo vì nếu không thì phải rời đi", ông Tuấn cho hay.
Ông Trần Thanh Sơn cũng đồng tình rằng năm 2024 là khoảng thời gian để các doanh nghiệp cùng nhìn lại, chắt lọc, thích nghi và thay đổi.
Để phục hồi tình hình kinh doanh, Công ty TNHH may mặc Song Ngọc cũng chọn nhắm đến thị trường ngách, ít cạnh tranh. Công ty cũng chú trọng vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, đặc biệt là các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, ông Sơn khẳng định một trong những nguyên nhân đóng góp to lớn cho sự phục hồi của công ty, chính là sự thay đổi tích cực về tay nghề và chính sách phúc lợi của người lao động.
"Dù đang trong tình thế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất. Công ty cũng cam kết đảm bảo thu nhập, quyền lợi cho người lao động, tân trang không gian làm việc sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi, để từng bước thu hút nhân công quay trở lại nhà máy", ông Sơn chia sẻ.
Chúng tôi bất ngờ nhất là khi người lao động được đảm bảo tài chính, có một môi trường làm việc tốt, năng suất làm việc tăng, khách hàng cũng dần tin tưởng. Cứ thế, đơn hàng dễ dàng đến với chúng tôi.
Kỳ vọng về hành trình mới
Sau Tết Nguyên đán 2025, Công ty TNHH may mặc Song Ngọc dự định tuyển thêm 100 công nhân. Những nhân sự mới sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng cho chi phí đi lại, 2 tháng lương đầu mỗi tháng được tặng thêm 3 triệu đồng.
"Thời điểm này năm ngoái, người lao động nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Vậy nên bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng tôi "trải thảm", đón họ quay trở lại", ông Sơn cho hay.
Ngay từ lâu, công ty đã áp dụng cho người lao động hưởng thu nhập dựa trên năng suất làm việc. Nghĩa là những ai chăm chỉ, tay nghề và năng suất cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
"Những lao động giỏi, năng suất cao họ rất thích hưởng lương dựa trên sản phẩm. Còn nhóm nhân sự chỉ làm tàn tàn, hết giờ rồi về, cuối tháng nhận lương sẽ thấy sự khác biệt với đồng nghiệp. Từ đó, họ sẽ nỗ lực hơn. Nhờ vậy, 80% công nhân tại nhà máy đều là thợ may giỏi, có thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng, cao nhất hơn 20 triệu đồng", ông Sơn khẳng định.
Năm 2025, Công ty TNHH may mặc Song Ngọc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 30% doanh thu và thu nhập của người lao động.
Sau một thời gian, ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ VAM đã thành công vận hành hoàn toàn trên nền tảng số, không còn thực hiện thủ công bất kỳ thao tác nào. Nhờ vậy, công ty tiết kiệm được 20% chi phí. Các báo cáo, số liệu được lưu trữ đầy đủ, giúp cho quá trình phân tích và dự báo tình hình kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
Nhờ công nghệ quản lý trơn tru, năng lực của người lao động được nâng cao, công ty thành công lấy được sự tin tưởng của đối tác. Giữa năm 2024, ông Nguyễn Thanh Tuấn thở phào khi báo cáo cho thấy đã cắt được lỗ. Doanh thu và lượng đơn hàng lần lượt phục hồi, tăng 5-10%.
Nhà máy có đơn hàng cũng là lúc tinh thần công nhân viên phấn chấn trở lại. Các phúc lợi của người lao động cũng dần được phục hồi như trước.
Ngoài những mục tiêu kinh doanh trong năm 2025, ông Tuấn nhấn mạnh rằng sắp tới, công ty sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao tay nghề nhân sự. Điều này không chỉ đáp ứng năng lực sản xuất tại đơn vị mà còn định hướng, cung ứng lực lượng nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong tương lai.
Tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu những giải quyết các vấn đề về thiếu việc làm và thất nghiệp trong thời gian tới.
Thị trường lao động năm 2023 và năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Trong đó, Bộ trưởng cho rằng cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; chính sách ưu đãi thuế, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp…
Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh thị trường cần đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo; triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cần quan tâm đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài; ưu tiên việc làm cho thanh niên trong nước; tập trung quản trị thị trường lao động chính quy hơn.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, cho biết: "Điều này đã thể hiện năng lực và hiệu quả công việc của những lãnh đạo trong doanh nghiệp. Lao động gián tiếp cũng nhận được sự đánh giá tích cực, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc và được doanh nghiệp công nhận về khả năng làm việc. Lao động trực tiếp cũng nhận được sự tin tưởng và ghi nhận những đóng góp cho doanh nghiệp".
Theo Falmi, hiện các doanh nghiệp cũng đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất của lao động trong công ty.
Một số giải pháp được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn là: Tăng cường chính sách tiền lương, phúc lợi; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực; áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến…
Ảnh: Hải Long, Nhân vật cung cấp