Lao động Việt giải "cơn khát" nhân lực của các nước phát triển
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan cho biết nước này hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và Việt Nam là quốc gia được ưu tiên lựa chọn để hợp tác trong lĩnh vực lao động.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen nêu thông tin này trong cuộc hội đàm ngày 13/1 với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Phần Lan mở cửa đón lao động Việt
Chào đón người đồng cấp từ xứ Bắc Âu đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự trân trọng trước những thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quan hệ giữa hai nước đang chuyển dần từ đối tác phát triển sang hợp tác cùng có lợi, với nền tảng là mối quan hệ hữu nghị ngày càng bền chặt. Điều này thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên, đặc biệt là trong năm 2023, khi Việt Nam và Phần Lan kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao gần đây góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác song phương. Tiêu biểu như chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho vào tháng 3/2024 và cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9/2024.
Thông tin về nguồn nhân lực Việt Nam làm việc tại nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm nhận hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ Bộ LĐ-TB&XH và cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Arto Olavi Satonen nhấn mạnh Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của Phần Lan tại khu vực Đông Nam Á. Ông Arto Olavi Satonen vui mừng vì có thêm cơ hội hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực lao động.
Bộ trưởng Satonen cho biết, có khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan, đóng góp tích cực củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Satonen cho biết, đất nước trên bán đảo Scandinavia đang đối mặt với thách thức từ quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Mỗi năm, khoảng 10.000-15.000 lao động tại Phần Lan ra khỏi thị trường lao động nên nhu cầu lao động của Phần Lan không ngừng gia tăng. Việt Nam hiện nằm trong số bốn quốc gia nước này ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực lao động.
Tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lập tức đề nghị người đồng cấp nêu rõ số lượng lao động, các ngành nghề mà Phần Lan đang cần, cùng với các tiêu chí tuyển chọn cụ thể. Ông nhấn mạnh, xác định tiêu chí tuyển chọn lao động để cùng thảo luận và phối hợp triển khai các bước tiếp theo trong hoạt động hợp tác lao động.
Đáp lại, Bộ trưởng Arto Olavi Satonen cho biết trong vòng 15 năm tới, Phần Lan dự kiến cần khoảng 1,3 triệu lao động. Trước hết, trong năm 2025, quốc gia Bắc Âu này cần khoảng 2.000 nhân công trong các lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ và thực phẩm, yêu cầu lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần khoảng 3.000 lao động với tiêu chí tuyển chọn sẽ khắt khe hơn là yêu cầu người lao động phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Phần Lan.
Ngành công nghiệp dự kiến cần 1.000 lao động, con số này sẽ gia tăng trong những năm tới khi nền kinh tế Phần Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghệ thông tin (IT) cũng cần khoảng 1.000 lao động.
Lao động Việt là ưu tiên lựa chọn của các nước phát triển
Đánh giá cao sáng kiến của Bộ trưởng Arto Olavi Satonen về việc giải quyết vấn đề già hóa dân số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai nước.
"Việt Nam giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu lao động, trong khi lao động Việt Nam sẽ có thu nhập ổn định và cơ hội làm việc trong môi trường hiện đại. Quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn người lao động có một cuộc sống tốt hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Ông thông tin thêm, Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng" với tổng quy mô 104 triệu người, trong đó có 54 triệu lao động. Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 lao động trong lĩnh vực chíp bán dẫn.
Đánh giá về thị trường lao động Phần Lan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu mà Phần Lan đặt ra.
"Ở những thị trường nổi tiếng khắt khe như Đức, lao động Việt Nam cũng đã và đang đáp ứng tốt các tiêu chuẩn tuyển dụng", Bộ trưởng dẫn chứng.
Vừa qua, Việt Nam đã cung ứng hơn 1.000 điều dưỡng viên cho Đức. Các ứng viên đều vượt qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, được cấp thẻ xanh và có cơ hội định cư lâu dài tại nước này.
"Lao động Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhờ sự cần cù, chịu khó và sáng tạo. Chính những phẩm chất này đã giúp chúng tôi trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia phát triển.
Khi nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Phần Lan, đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, thì đây chính là lợi thế của Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo đó, nếu Phần Lan thực sự mong muốn hợp tác, Bộ trưởng đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
"Những ngành nghề mà Phần Lan cần, lao động Việt Nam có thể đáp ứng cơ bản với yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh.
Mức thu nhập và phúc lợi xã hội của lao động Việt tại Phần Lan khá tốt, dao động 1.500-2.000 euro mỗi tháng. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam chấp thuận phái cử lao động", Bộ trưởng nêu rõ.
Ngay sau cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng ký Bản Ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan.
Thỏa thuận này thiết lập mối quan hệ đối tác về di cư lao động giữa hai quốc gia, trong phạm vi thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, thủ tục, và nguồn lực hiện hành. Hai bên cam kết tôn trọng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời bảo đảm hợp tác bền vững và cùng có lợi.
Bản Ghi nhớ có hiệu lực trong 5 năm, từ năm 2025 đến 2030. Mục tiêu là thúc đẩy việc đưa chuyên gia, lao động có tay nghề cao, và lao động thời vụ từ Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan được minh bạch, bền vững, có đạo đức và chống lại tình trạng bóc lột, lạm dụng, phù hợp với pháp luật hai nước.