Nhiều cơ hội việc làm ở Phần Lan cho chuyên gia, lao động kỹ năng
(Dân trí) - Với nhu cầu tiếp nhận khoảng 10.000 lao động mỗi năm, các chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ từ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội làm việc tại Phần Lan.
Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm
Chiều 13/1, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp và đồng chủ trì với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan.
Diễn đàn được tổ chức ngay sau lễ ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 sẽ hướng tới trở thành quốc gia phát triển với mức thu nhập cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam tập trung triển khai ba đột phá chiến lược, bao gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng.
Xuất phát từ quan điểm nêu trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm trong nước, Thứ trưởng cho biết Việt Nam chủ trương tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thời gian qua, hoạt động này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với số lượng lao động xuất cảnh tăng dần qua các năm. Đồng thời, chất lượng lao động và uy tín của người lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt, châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, với nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ.
Bên cạnh đó, hoạt động này còn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ lao động Việt Nam có kiến thức về khoa học, công nghệ và tác phong làm việc công nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Diễn đàn hôm nay mang ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để hai bên tăng cường hiểu biết về luật pháp và chính sách liên quan đến việc phái cử và tiếp nhận lao động nước ngoài.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thảo luận về nhu cầu tiếp nhận và sử dụng lao động Việt Nam tại Phần Lan, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này", Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu.
Việt Nam là ưu tiên của Phần Lan trong lĩnh vực lao động
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen, đánh giá việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về việc dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ của Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan là sự hợp tác rất quý giá.
Theo Bộ trưởng Satonen, đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số.
"Xin cảm ơn Việt Nam đã hợp tác với Phần Lan trong lĩnh vực quan trọng này. Chúng ta cần tiếp tục hợp tác để thực hiện các sáng kiến nhằm đưa người lao động Việt Nam đến Phần Lan", Bộ trưởng Satonen bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Satonen, hiện nay, ngày càng có nhiều công ty của Phần Lan tuyển dụng lao động nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng cung cấp các dịch vụ công để hỗ trợ lao động nước ngoài hoạt động hiệu quả tại Phần Lan.
"Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Phần Lan trong lĩnh vực lao động. Chúng tôi nhận thấy lao động Việt có kỹ năng nghề tốt, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy rằng các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, là những thị trường năng động, có thể cung cấp nguồn lao động chất lượng cho Phần Lan", ông Satonen nói.
Tại diễn đàn, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và đại diện Thương vụ Phần Lan đã giới thiệu về chính sách cung ứng và tiếp nhận nguồn nhân lực giữa hai bên.
Một số doanh nghiệp phái cử của Việt Nam đã chia sẻ về khả năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam khi làm việc tại Phần Lan, như tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và khả năng tiếp thu nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng chỉ ra những hạn chế về ngoại ngữ và một số kỹ năng khác mà lao động Việt Nam cần phải bổ sung và cải thiện để đáp ứng nhu cầu khi sang làm việc tại Phần Lan.
Dịp này, một số doanh nghiệp Phần Lan cũng đã chia sẻ về nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam, trong các ngành nghề như công nghệ, chăm sóc sức khỏe...