Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:
Đà Nẵng: Lao động sửa xe, hớt tóc... được hỗ trợ thiệt hại do Covid-19
(Dân trí) - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đang tổng hợp nhóm lao động tự do không nằm trong quy định của Nghị quyết 42 để trình phương án xây dựng đề xuất mức hỗ trợ.
Gần một tháng nay, tiệm sửa xe của anh Hoàng Thanh Công (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải đóng cửa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Vợ chồng anh Công có 2 người con, anh là lao động chính, vợ anh làm nghề bán hàng rong. Thu nhập của hai vợ chồng anh công chỉ đủ sống qua ngày. Vì thế, từ khi tiệm sửa xe của anh đóng, cuộc sống của gia đình anh gặp không ít khó khăn.
Khi tổ dân phố xuống từng hộ gia đình phát mẫu khai báo mất việc do ảnh hưởng do dịch Covid-19, vợ chồng anh Công đều đã khai báo đầy đủ với mong muốn sớm được nhận một khoản hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Thảo (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chủ tiệm tóc cũng cho biết, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn từ lúc tiệm của chị phải đóng cửa để chống dịch.
“Bình thường cả hai vợ chồng cùng đi làm mới đủ nuôi cả gia đình. Bây giờ, tiệm của tôi đóng cửa, công việc của chồng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do dịch Covid-19. Vừa rồi, hai vợ chồng cũng phải vay mượn bạn bè chỗ này một ít, chỗ kia một ít tiêu tạm”, chị Thảo chia sẻ.
Chị Thảo hy vọng mình cũng được nhận hỗ trợ như các nhóm lao động tự do khác để đỡ bớt phần nào khó khăn trong lúc này.
Ông Nguyễn Minh, tổ trưởng tổ 71 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết, tổ đã phát mẫu khai báo mất việc làm, tạm ngừng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng hộ gia đình để mọi người tự khai báo.
Kết quả cho thấy, cả tổ có hơn 200 lao động tự do và lao động có hợp động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó lao động tự do chiếm hơn 2/3.
Theo ông Minh, khó khăn trong quá trình khảo sát là lao động tự do không có thông tin rõ ràng. Ví dụ như thợ nề, thợ điện - nước, người giúp việc… không có nơi làm việc. Việc khảo sát, điều tra chỉ dựa vào sự thành thật của người lao động.
Vì thế, để đảm bảo không bỏ sót người, không để ai lợi dụng, danh sách về nhóm lao động tự do sẽ được công khai tại phương để người dân cùng giám sát.
Ngoài ra, tổ cũng nắm thông tin cụ thể của từng người đến khi phường cần xác minh thì có thể liên hệ được với họ.
Ông Minh cũng cho hay, đối với nhóm lao động tự do như tạp vụ, người giúp việc…không biết có hỗ trợ không nhưng phường cũng đã tiến hành khảo sát cụ thể.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, hiện tại nhóm lao động người có công, bảo trợ xã hội, các hộ nghèo và cận nghèo đã có số liệu thống kê.
Các nhóm còn lại, các quận, huyện đang tổng hợp, dự kiến ngày 23/4 nữa mới có kết quả.
Đối với nhóm lao động tự do, theo dự thảo của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ, ngoài 6 nhóm ban đầu, địa phương có thể sung thêm một số nhóm khác thực hiện hỗ trợ ngân sách địa phương.
“Nếu thực hiện bằng ngân sách địa phương thì phải thông qua hội đồng nhân dân. Hiện các địa phương đang khảo sát để Sở tổng hợp trình Hội đồng nhân dân”, ông An nói.
Ông An cho biết, nhóm lao động tự do dự kiến ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ là những người lao nghề sửa xe, hớt tóc, chăm sóc sắc đẹp… và còn rất nhiều nữa. Thành phố cũng sẽ đề xuất mức hỗ trợ bằng mức hỗ trợ của trung ương.
Khánh Hồng