1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đà Nẵng rà soát kỹ với nhóm lao động tự do

(Dân trí) - Đà Nẵng đang tiến hành rà soát tất cả những đối tượng thuộc diện được nhận hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng do đại dịch Covid-19 với tinh thần không bỏ sót ai, tránh tình trạng trục lợi.

Ông Nguyễn Văn An - PGĐ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, nói về việc triển khai gói an sinh xã hội

Chủ động thống kê

Những ngày qua, tổ dân phố của tất cả các tổ trên địa bàn TP Đà Nẵng đã phát tờ khai đến từng hộ gia đình bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tiến hành lập danh sách để chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (TP Đà Nẵng) cho biết, phường đã phát tờ khai về từng tổ dân phố và cử cán bộ phường phụ trách tổ đi cùng tổ để nắm bắt thông tin.

Số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho thấy, người có công theo diện trung ương quy định được nhận hỗ trợ là 16.869 người, hộ nghèo theo chuẩn quốc gia là 7.473 hộ, bảo trợ xã hội là 26.700 người.

“Chúng tôi đang tổng hợp tất cả các danh sách, sau đó rà soát và phân loại xem cái nào thuộc về trách nhiệm của các phòng LĐ-TB&XH, cái nào thuộc địa phương…”, ông Công nói.

Theo ông Công, đối với nhóm lao động nghỉ việc không lương, việc rà soát tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động tự do thì khó khăn hơn nên cần phải rà soát kỹ càng, thận trọng.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng - cho biết: "Trước khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ, thành phố đã triển khai rà soát trước nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, nhóm này đã có danh sách, số liệu cụ thể".

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đà Nẵng rà soát kỹ với nhóm lao động tự do - 1

Ông Nguyễn Văn An, PGĐ Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng nói về việc triển khai gói an sinh xã hội

Đối với nhóm người lao động, sau khi có Nghị quyết 42, TP Đà Nẵng đã bắt tay vào tiến hành rà soát ngay.

Trong nhóm này có 5 nhóm cụ thể, Sở quan tâm đến 4 nhóm, gồm: Lao động tạm hoãn hợp đồng lao động không lương, lao động có hợp đồng nhưng bị mất việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động không có hợp đồng gồm cả lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể có mức thu nhập khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm.

Đối với nhóm doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải trả lương theo quy định của Bộ Luật Lao động, Sở sẽ cùng khảo sát với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Triển khai chậm nhất là ngày 20/4

Hiện các xã, phường đang triển khai rà soát. Dự kiến đến ngày 20/4, công tác khảo sát tại các địa phương sẽ hoàn thành.

Ông An thông tin: "Đối với nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, nếu ngày 15/4, Chính phủ ban hành quyết định hướng dẫn cụ thể thì chậm nhất là ngày 20/4 có thể triển khai hỗ trợ đến các đối tượng này".

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Đà Nẵng rà soát kỹ với nhóm lao động tự do - 2

Đà Nẵng phát mẫu khai báo mất việc làm, tạm ngừng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng hộ gia đình

Còn 4 nhóm đối tượng lao động, sau khi có quyết định của Chính phủ cũng sẽ triển khai ngay tùy theo nhóm. Ví dụ như doanh nghiệp hỗ trợ cho nhóm tạm hoãn hợp đồng lao động thì doanh nghiệp nộp hồ sơ gửi cho ngành LĐ-TB&XH ở cấp quận, huyện, thành phố.

Theo ông An, việc triển khai Nghị quyết 42 tại địa phương gặp một số khó khăn là do đang trong thời gian cách ly xã hội nên số người tiến hành khảo sát không được nhiều khiến cho tiến độ không được nhanh.

Trong khi đó, các lao động mất việc còn chưa rõ sẽ thuộc nhóm nào trong khi do đang thời gian cách ly nên không thể tổ chức tập huấn được. Lao động tự do di chuyển liên tục nên không xác định được.

Ông An cũng cho biết, khi tiến hành chi trả, các địa phương, đơn vị sẽ tiến hành niêm yết công khai danh sách để tránh trường hợp người bị bỏ sót, người lợi dụng chính sách.

Lấy ý kiến về điều kiện hỗ trợ lao động tự do

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về quy định việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Với nhóm lao động tự do, cần có các điều kiện sau.

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

Không có đất sản xuất nông nghiệp; Mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia quy đinh tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 do dịch Covid-19; Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 03 tháng trở lên trước ngày 01 tháng 4 năm 2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.

Đồng thời, người lao động thuộc một trong những công việc sau: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe...

Khánh Hồng