1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10):

Cụ bà 85 tuổi với gánh hàng rau 30 năm trong xóm ngụ cư Hà Nội

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - Họ có thể là những lao động phổ thông, thợ cơ khí hay giảng viên đại học. Tuy nhiên, điểm chung có thể nhận thấy ở họ chính là dù đã trên 60 tuổi nhưng niềm đam mê công việc vẫn không hề tắt.

Làm việc trên 60 tuổi

Năm nay đã 85 tuổi, bà Trịnh Thị Nga ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã gắn bó với công việc bán hàng rau được hơn 30 năm. Cụ bà chia sẻ: "Khi còn trẻ, tôi làm cán bộ ở một cơ quan nhà nước. Tới tuổi hưu thì làm thêm công việc bán hàng rong cho tới nay".

Dẫu lưng đau và chân mỏi, bà Trịnh Thị Nga vẫn cố đi bán hàng để kiếm ít nhất 100 ngàn đồng/ngày. Bà tâm sự: "Ngày nào không đi được là tôi không yên lòng. Mỗi lần đi bán hàng là được động chân, động tay và vui khỏe hơn hẳn".

Cụ bà 85 tuổi với gánh hàng rau 30 năm trong xóm ngụ cư Hà Nội - 1

Cụ Trịnh Thị Nga hàng ngày ngồi bán hàng trong ngõ nhỏ gần căn phòng thuê trọ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Ngoài sức khỏe, động lực khiến bà Trịnh Thị Nga miệt mài làm việc là còn nguồn kinh phí để mua thuốc men cho người con trai trên 50 tuổi mắc bệnh thần kinh. Lương hưu thấp, ngoài tiền thuốc cho con, bà còn phải đóng 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà.

Còn với ông Hà Văn Thúy, một thợ sửa điện dân dụng trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình Hà Nội), công việc là cách để tự lo cho bản thân và không làm phiền tới con cái.

Nghề sửa chữa đồ điện dân dụng đã gắn với ông gần 40 năm qua. Ở tuổi 65, ông không đi làm thuê nữa mà mở cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng nhỏ tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Thu nhập cũng tùy theo lượng khách, hôm ít chỉ có 40.000-200.000 đồng/ngày.

Ông Hà Văn Thúy cho biết: "Khách hàng đến sửa chữa đồ điện ngày một ít, ngoài những lúc không có khách tôi tranh thủ rửa xe máy để kiếm thêm thu nhập. Ở tuổi như tôi mà vẫn có việc làm là mừng rồi".

Cụ bà 85 tuổi với gánh hàng rau 30 năm trong xóm ngụ cư Hà Nội - 2

Ông Hà Văn Thúy, đang hành nghề sửa điện dân dụng trên phố Hoàng Hoa Thám.

Từng là giữ vị trí trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Báo chí và tuyên truyền) và dù đã nghỉ hưu nhưng TS Nghiêm Sỹ Liêm vẫn gắn bó với giảng đường của Học viện để tiếp tục chia sẻ kiến thức tới nhiều thế hệ sinh viên.

Vị tiến sĩ 64 tuổi này tâm niệm: "Tôi lượng sức vẫn thấy còn khỏe. Hơn nữa, nghề dạy học đã ngấm vào máu rồi. Do đó, tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc dù đã ở tuổi hưu trí". Ngoài việc tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, TS Nghiêm Sỹ Liêm say mê với công tác hướng dẫn cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Niềm vui lớn: Được làm việc

Khái niệm tuổi già được nghỉ ngơi giờ đây có lẽ cũng thay đổi với nhiều người cao tuổi. Thực tế cho thấy nhiều người cao tuổi còn đam mê và mong muốn được lao động.

Với họ, việc làm là một lựa chọn để đảm bảo sức khỏe và thể hiện sự có ích trong cuộc sống. Bởi vậy, những câu chuyện "nghiện làm việc" như một mảng màu giúp cho bức tranh về người cao tuổi đang mưu sinh trở nên tươi sáng và truyền cảm hứng tích cực.

Trao đổi với PV, bà Trịnh Thị Nga mong mỏi: "Nếu được trẻ lại và có sức khỏe, tôi muốn làm được nhiều việc và kiếm được nhiều tiền để cuộc sống, gia đình sung túc hơn. Có tiền để chữa bệnh cho con, xây một căn nhà để ở chứ không phải đi thuê như bây giờ".

Cụ bà 85 tuổi với gánh hàng rau 30 năm trong xóm ngụ cư Hà Nội - 3

TS Nghiêm Sỹ Liêm đang nghiên cứu tài liệu.

Suy ngẫm và chiêm nghiệm về cuộc đời làm nhà giáo và nhà khoa học, TS Nghiêm Sỹ Liêm vẫn thấy đã chọn con đường đi đúng. Gắn bó với sự nghiệp giảng dạy ở tuổi 64, TS luôn thấy vui vì đã có nhiều lớp học trò thành đạt.

Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm khoảng 12,7% dân số.

TS Nghiêm Sỹ Liêm chia sẻ: "Dù đã ở tuổi hưu trí, nhưng tôi luôn mong được tiếp tục đóng góp tất cả sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người" tại ngôi trường đã gắn bó từ thời trai trẻ".

Còn với ông Hà Văn Thúy, công việc chính là cách để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Với ông, sự nhàn rỗi chưa bao giờ xuất hiện.

"Nhiều người cho rằng người cao tuổi là nghỉ ngơi và đi du lịch, tôi cho rằng đó không sai. Nhưng cũng tùy hoàn cảnh và sở thích của từng người cao tuổi. Với tôi, còn sống ngày nào thì công việc và tự kiếm được đồng tiền vẫn là niềm vui lớn nhất", ông Hà Văn Thúy chia sẻ.