Người cao tuổi có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu?

Bố của bà Hoàng Duyên đã 70 tuổi, mẹ bà 65 tuổi, chưa đóng BHXH tự nguyện. Nay, bà muốn đóng BHXH tự nguyện một lần cho bố mẹ để hưởng hưu trí thì cần điều kiện gì?

Đặc biệt, gia đình bà là hộ cận nghèo thì cần chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ gì?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức đóng: Hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng 1 lần, 12 tháng một lần, 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp bố của bà (70 tuổi) và mẹ của bà (65 tuổi) được tham gia BHXH tự nguyện, bố mẹ của bà có thể lựa chọn phương thức đóng: Hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng 1 lần, 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm 1 lần) cho đủ 10 năm sau đó lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho những năm còn thiếu theo quy định để được hưởng lương hưu theo quy định.

Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện gồm: Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) ban hành kèm theo Quyết định hợp nhất số 2089/QĐ-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam và kê khai vào các tiêu chí tương ứng. Đề nghị bà liên hệ với cơ quan BHXH hoặc đại lý thu của cơ quan BHXH nơi gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.