Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6):
Tạo việc làm cho người cao tuổi: "Một mũi tên trúng nhiều đích..."
(Dân trí) - Được làm việc là nhu cầu của nhiều người cao tuổi. Khi người cao tuổi có việc làm và thu nhập, gánh nặng về an sinh sẽ nhẹ bớt và hạn chế các vấn đề xã hội khác phát sinh.
Nhu cầu tất yếu
Sau khi nghỉ hưu hơn 2 năm, ông Lê Văn Hùng, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội), đã quyết định chuyển sang làm nghề xe ôm.
Chia sẻ với PV, ông nói: "Từ ngày đi làm, tôi thấy khỏe hơn hẳn, đầu óc cũng được thoải mái hơn. Quan trọng là có thêm thu nhập cho cuộc sống".
Theo người đàn ông đã 62 tuổi này, mức lương hưu hơn 4 triệu đồng/tháng chưa đủ để trang trải cho cuộc sống. Công việc lái xe ôm đem lại cho ông thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày, qua đó phần nào giúp cuộc sống tuổi già đỡ vất vả.
Ông Lê Văn Hùng chia sẻ: "Tôi chưa muốn nhờ cậy vào con cái vì còn sức khỏe. Cứ ở nhà thì lãng phí thời gian, nên tôi quyết định đi làm. Tuy nhiên, đây là công việc kiếm thêm nên những hôm nào thời tiết xấu hay không được khỏe là tôi không đi làm".
Cũng là một câu chuyện khác về người cao tuổi còn làm việc. Nhiều năm nay, bà Lê Thị Phương 68 tuổi, trú tại Đống Đa (Hà Nội) đã dậy từ 5h để nấu chè bán. Bà cho biết: "Ở tuổi này, nhưng sức khỏe của tôi còn tốt. Không có lương hưu nên 2 vợ chồng tôi sống phụ thuộc vào quán chè".
Công việc này, có thể đem lại cho bà Lê Thị Phương thu nhập 400.000-500.000 đồng/ngày. Với thu nhập như vậy, bà chưa cần phụ thuộc vào con cái mà vẫn có của ăn của để. Việc có thu nhập hàng ngày khiến bà có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.
Từng làm việc tại một cơ quan nhà nước, sau khi về hưu, ông Lê Văn Tuấn 63 tuổi, trú tại Đan Phượng (Hà Nội), được mời làm kế toán tại một doanh nghiệp. Công việc không đòi hỏi ông phải đến công ty hàng ngày. Với mức lương 6 triệu đồng/tháng cộng với nguồn lương hưu, ông có một cuộc sống ổn định.
"Tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh kế toán, trí nhớ và sức khỏe còn rất tốt, nếu không đi làm rất lãng phí. Tôi dự định sẽ đi làm đến khi không còn có thể làm được nữa" - ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, công việc đi làm thêm sẽ giúp người cao tuổi cảm thấy có ích hơn khi được cống hiến. Ngoài việc được gặp gỡ, giao lưu với mọi người khiến cho người cao tuổi có thêm sức khỏe và niềm vui.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định: "Người lao động cao tuổi thường có kinh nghiệm, làm việc có kỷ luật và có các kỹ năng làm việc tốt nhất. Họ cũng là những người có ý thức chấp hành và am hiểu pháp luật tốt hơn. Mặt khác, việc thương thảo giữa người lao động và sử dụng lao động dễ hơn".
Theo ông Lê Quang Trung, Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người người lao động cao tuổi (trên 60 tuổi), 30% lao động cao tuổi sống bằng chính nguồn thu từ việc lao động hàng ngày.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng lao động cao tuổi là hết sức cần thiết, họ hoàn toàn có khả năng tiếp tục làm việc và cống hiến. Được làm việc là nhu cầu của rất nhiều người cao tuổi.
"Công tác giải quyết việc làm cho người lao động cao tuổi là một "mũi tên trúng nhiều đích". Khi người cao tuổi có việc làm, có thu nhập, gánh nặng về an sinh sẽ nhẹ bớt và hạn chế nhiều vấn đề xã hội phát sinh" - ông Lê Quang Trung giải thích.
Một số rào cản đối với người lao động cao tuổi được ông Lê Quang Trung đưa ra là tâm lý và cách xã hội nhìn nhận. Ngoài ra, người lao động cao tuổi cũng sẽ gặp khó khăn đối với những công việc đòi hỏi sức khỏe.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trường hợp người cao tuổi sau tuổi về hưu làm việc là điều rất phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.
"Ở Việt Nam, vấn đề người cao tuổi làm việc đang rất được quan tâm, một số chính sách như tăng tuổi nghỉ hưu; không thu thuế thu nhập của người lao động cao tuổi… đã được áp dụng và đang góp phần phát huy khả năng của người cao tuổi" - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Theo vị chuyên gia này, các cơ quan chức năng cần tính tới việc nghiên cứu chương trình hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi bằng cách triển khai thông tin, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động cao tuổi...
"Bên cạnh đó, cần phân chia người cao tuổi theo độ tuổi và từng nhóm như: Có sức khỏe; có năng lực; có nhu cầu làm việc… có thể linh hoạt hơn trong việc kết nối và tạo việc làm phù hợp" - bà Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất.