1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10):

Đừng bỏ phí kinh nghiệm và giá trị to lớn của đội ngũ người cao tuổi!

Minh Huệ

(Dân trí) - Cần có chính sách tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế, giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, giảm gánh nặng cho quốc gia...

Đừng bỏ phí kinh nghiệm và giá trị to lớn của đội ngũ người cao tuổi! - 1

Rất nhiều người cao tuổi được đào tạo bài bản nên có trình độ cao, có nhu cầu làm việc, cống hiến, sáng tạo.

Vấn đề già hóa dân số nhanh chóng trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp đang đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội và phát triển của đất nước. Điều này đặt ra việc cần có chính sách tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế, giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất..., giảm gánh nặng cho quốc gia.

Tốc độ già hóa nhanh

Các chuyên gia dân số nhận định, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất khoảng 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, thậm chí, đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Dự báo, người từ 75 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 5 triệu người vào năm 2035. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019: Tại Việt Nam, sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. 

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Người cao tuổi hiện đã sống thọ, khỏe mạnh hơn. Rất nhiều người được đào tạo bài bản nên có trình độ cao, có nhu cầu làm việc, cống hiến, sáng tạo. Đồng thời, cũng có một nhóm người cao tuổi có nhu cầu lao động để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và chứng tỏ mình vẫn còn có thể làm việc có ích cho xã hội.

Tuy vậy, nước ta hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể nhằm tạo việc làm cho người cao tuổi. Đồng thời, hiện nay có một thực tế, nhiều công ty, doanh nghiệp… thường bỏ rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài về làm cố vấn trong khi nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những công việc đó thì không được tận dụng.

Bà Lưu Thị Hường, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, ở nước ta hiện nay số người cao tuổi tham gia vào bộ máy chính trị ở cơ sở là rất lớn. Ví dụ, chức danh Bí thư Chi bộ ở cơ sở thì có đến 60-70% là người cao tuổi. Đồng thời, có khoảng 90% người cao tuổi tham gia vào các công việc hòa giải ở nơi công cộng, giải quyết các mâu thuẫn các gia đình… Những điều này cho thấy, người cao tuổi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, vai trò của người cao tuổi hiện nay vẫn chưa được phát huy hết một phần do chưa có nhiều công việc phù hợp.

Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử phân tích, nước ta hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số). Trong số người cao tuổi, có nhiều người còn sức khỏe, có trình độ nghề nghiệp khá cao trong nhiều lĩnh vực và vẫn có nhu cầu được làm việc để cống hiến. Nếu lực lượng này chỉ nghỉ ngơi, hưu trí và không được phát huy hết giá trị thì sẽ là lãng phí rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội ở nước ta còn rất thấp. Vì vậy có nhiều người dù cao tuổi vẫn muốn làm việc để nâng cao thu nhập. Do đó, gia đình, cộng đồng doanh nghiệp và nhà nước nên tạo điều kiện cho những người cao tuổi còn khả năng và có nhu cầu được làm việc.

Tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động thì được coi là lao động cao tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc vẫn rất cao. Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc.

Các chuyên gia cho rằng khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi là rất cần thiết. Để người cao tuổi có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội thì cần phải tạo điều kiện cho người cao tuổi có các cơ hội việc làm, phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già. Có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ như bảo vệ, hành chính, phục vụ, kho, quản lý… 

Trưởng Ban Chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Lưu Thị Hường cho rằng, nếu người cao tuổi có cơ hội tham gia vào các công việc phù hợp để phát huy khả năng thì Nhà nước, xã hội cũng như bản thân người cao tuổi đều có lợi. Người cao tuổi sẽ được sống vui, sống khỏe, sống có ích và tiếp tục phát huy, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của họ cho xã hội, đất nước.

Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử cho biết, hiện nay, Nhà nước đã có chính sách kéo dài thời gian làm việc cho những người có trình độ chuyên môn cao như: Trình độ Tiến sĩ  (thêm 5 năm), Phó Giáo sư (thêm 7 năm), Giáo sư (thêm 10 năm). Chính sách này tạo điều kiện cho người cao tuổi có khả năng tiếp tục được làm việc, cống hiến.

Tuy nhiên, cần đa dạng hóa hơn nữa các chính sách, cơ chế để tạo điều kiện cho những người tri thức là người cao tuổi tiếp tục được làm việc, cống hiến. Chúng ta có thể nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ người lao động cao tuổi được tiếp tục làm việc của các nước láng giềng như: bỏ kinh phí để đào tạo người cao tuổi chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu hoặc hỗ trợ doanh nghiệp chi trả một phần lương cho người cao tuổi…

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi. Việc thúc đẩy người cao tuổi đặc biệt những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao tham gia hoạt động kinh tế là góp phần nâng cao đời sống và duy trì hoạt động của người cao tuổi.

Thời gian qua, nước ta đã có một số chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động, nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở một số đối tượng. Do đó, thời gian tới, Nhà nước cần có thêm các chính sách phù hợp để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà còn động viên những người cao tuổi sống vui, sống thọ; giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm quý báu; đáp ứng nhu cầu của nhóm người cao tuổi, phù hợp với sự phát triển chung của toàn nhân loại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm