1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân dại gì đi học nghề!

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nêu thực trạng đáng buồn như vậy khi lương của công nhân bậc cao hiện chỉ hơn bậc thấp vài chục ngàn đồng

Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các KCN và KCX ở Việt Nam” mới diễn ra tại TP HCM do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo... tổ chức.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết toàn quốc hiện có 304 KCN, trong đó, 206 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút 2,6 triệu người làm việc.

Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư vào các KCN, khu kinh tế lại chưa có quy hoạch lao động. 80% lao động đang làm việc trong các khu này là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.

TS Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương - phát biểu tại hội thảo
TS Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương - phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu đã chỉ ra thực trạng hiện nay là tiền lương của người đã qua đào tạo lại thấp hơn so với lao động phổ thông. Theo ông Mai Đức Chính, các doanh nghiệp hiện tự xây dựng thang, bảng lương từ 20-30 bậc, mỗi bậc chỉ cách nhau 20.000-25.000 đồng. “Người ở bậc cao chỉ hơn người bậc thấp vài chục ngàn. Do đó, công nhân chẳng dại gì đi học nghề” - ông Chính nói.

Mặt khác, nhiều DN đang trả lương theo thời gian lao động chứ không dựa vào trình độ hay năng suất. Điều này không khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề. Nhiều công nhân làm việc từ năm 1995 đến nay, tức đã hơn 20 năm, nhưng lương chỉ tăng vài trăm ngàn đồng!

Trong khi các KCN đang rất “khát” lao động tay nghề cao thì nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động được đào tạo đang thất nghiệp. Theo TS Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, 75% dân số Việt Nam đang trong độ tuổi lao động nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 18%.

Ông Đức cũng nêu lên con số đáng giật mình: Riêng quý II/2016, nước ta đã có 225.000 người có trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp.

Lý giải nghịch lý này, TS Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương - nhận định giáo dục và đào tạo là 2 khái niệm khác nhau. Giáo dục thiên về nhà nước, đào tạo thiên về thị trường. Nếu cứ luẩn quẩn giữa 2 khái niệm này, không thể cải thiện nguồn nhân lực.

Các đại biểu khác cũng phân tích những nguyên nhân khiến Việt Nam thừa thầy thiếu thợ như tư duy bao cấp dạy nghề còn nặng, chưa coi là hoạt động cung cấp dịch vụ lao động thị trường; các chính sách dạy nghề hướng về cung, chưa chú trọng cầu; vai trò của ban quản lý nhân lực tại các KCN chưa được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đề nghị trong thời gian tới cần có chính sách, chủ trương đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm cải thiện hình ảnh của đào tạo nghề, đào tạo ra người lao động có việc làm và thu nhập thỏa đáng. Ông Bùi Văn Ga thông báo tin vui là năm 2016, tỉ lệ học sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp THPT tăng 5% so với năm ngoái.

Các em này muốn sau khi tốt nghiệp sẽ học nghề, lao động phổ thông. “Do đó, cần huy động lực lượng giảng viên các trường nghề có nhiều kinh nghiệm, đừng quá câu nệ bằng cấp của những giáo viên tham gia dạy nghề mà cần kiến thức thực tế, ngoại ngữ… để truyền kinh nghiệm cho học viên” - ông Ga nói.

Theo Lê Thoa/Báo Người lao động