Thưởng tiền cho công ty có nhân viên đi làm ít

Việc tưởng như lạ đời này sẽ được thực hiện ở Nhật Bản. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ thưởng tiền cho các Cty bố trí giờ làm việc hợp lý, có chế độ giờ làm việc tối đa trong một ngày cho người lao động (NLĐ) nhằm khuyến khích NLĐ làm ít đi và nghỉ nhiều hơn.

NLĐ Nhật Bản luôn căng thẳng, mệt mỏi vì làm việc quá sức - Ảnh: T.L
NLĐ Nhật Bản luôn căng thẳng, mệt mỏi vì làm việc quá sức - Ảnh: T.L

Mức thưởng chi tiết hiện đang được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nghiên cứu và có thể được áp dụng sớm nhất trong năm 2017.

Tự tử, đột tử vì áp lực công việc quá lớn

Số lượng NLĐ qua đời do làm việc quá sức hoặc tự sát vì không chịu nổi áp lực công việc khổng lồ vẫn tiếp tục gia tăng và trở thành vấn đề nghiêm trọng tại Nhật. Hiện tượng này được gọi là “karoshi”. Có 2 loại karoshi: Tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức và tự tử vì căng thẳng tinh thần do công việc.

Tính đến tháng 3.2015, theo thông báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số đơn khiếu kiện đòi bồi thường từ gia đình những NLĐ bị thiệt mạng hoặc tự sát vì làm việc quá nhiều tăng lên mức kỷ lục là 1.456. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu làm việc trong các ngành dịch vụ y tế, an sinh xã hội, vận tải và xây dựng - đây cũng là những ngành thiếu lao động trầm trọng ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổ chức Cố vấn Quốc gia cho các nạn nhân karoshi, số người chết thực tế cao gấp 10 lần. Trước đây, khoảng 95% trường hợp NLĐ thiệt mạng vì làm việc quá sức là nam giới ở độ tuổi trung niên, làm công việc văn phòng. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ này giảm vì số lao động nữ tăng lên, khoảng 20%.

Ước tính, trong 4 năm qua, số trường hợp tự tử vì áp lực công việc tăng 45% trong nhóm NLĐ dưới 29 tuổi và tăng 39% ở nhóm lao động nữ.

Số liệu thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho thấy, có 2.227 người tự tử trong năm 2014 do mệt mỏi, lo lắng về công việc hoặc điều kiện công việc.

Làm ít để sáng tạo nhiều

Trước đây, khẩu hiệu phổ biến ở Nhật Bản là “Cty là số 1”, có nghĩa là mọi người đều ưu tiên thời gian và công sức lớn nhất vì sự phát triển của Cty mình đang làm việc. Tuy nhiên, gần đây thanh niên Nhật Bản cho rằng, điều quan trọng là có sự cân bằng giữa cuộc sống riêng với công việc. Khẩu hiệu “Cty là số 1” hiện nay không còn được nhắc đến nữa.

Trong khi số lượng NLĐ tự tử, đột tử vì áp lực công việc gia tăng thì năng suất lao động của Nhật Bản lại nằm ở vị trí cuối cùng trong nhóm nước công nghiệp phát triển G7. Đứng trước thực trạng này, chính phủ Nhật Bản đang hướng tới một xã hội mà tất cả mọi người đều được cống hiến, mọi người làm ít mà sáng tạo nhiều hơn là làm nhiều mà hiệu quả kém.

Người ta kỳ vọng chính sách này sẽ làm thay đổi dần dần văn hóa lao động tại Nhật Bản. Việc áp dụng những chính sách khuyến khích NLĐ nghỉ ngơi được xem là một biện pháp có hiệu quả giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong do lao động quá sức, để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, phát triển năng lực cá nhân, giải trí, đi du lịch.

Sự thay đổi “văn hóa” lao động này rất khó đong đếm. Tuy nhiên, chắc chắn những tác động đến nền kinh tế Nhật Bản về lâu dài sẽ là rất lớn và buộc các Cty phải đưa ra các cơ chế tuyển dụng và làm việc thích ứng với tình hình mới.

Theo Báo Lao động