1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quy định về đóng BHXH một lần cho quân nhân, công an nhân dân

(Dân trí) - Từ ngày 26/6, nhóm đối tượng gồm quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân sẽ được tham gia vào chính sách mới về đóng BHXH một lần. Đây là một phần nội dung của Nghị định 33/2016/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa Luật BHXH 2014.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần . Đây là quy định nhằm cụ thể hóa nội dung của Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, trường hợp người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc như sau:

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 33/2016/NĐ-CP

Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định được quy định tại Nghị định này, gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là người làm công tác cơ yếu).

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong Khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong Khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong Khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong Khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Ngoài ra, Nghị định 33/2016/NĐ-CP cũng quy định các mức tính cụ thể cho các trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định; trường hợp người lao động đã chuyển sang ngạch công nhân, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Gần 100 % người trên 60 tuổi tham gia BHYT

Đây là thống kê mới được Bộ Y tế công bố, đồng thời, nhóm trên 60 tuổi cũng là nhóm tuổi sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất, chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh nội trú.

Bên cạnh đó, nhóm từ dưới 19 tuổi cũng có tỉ lệ tham gia BHYT rất cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm trung niên thấp nhất ở nhóm tuổi từ 40 đến 59 tuổi. Đại diện Bộ y tế cho rằng, gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả sẽ được xây dựng trước năm 2018 và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là nền tảng để đảm bảo tài chính bền vững, chất lượng dịch vụ y tế, ổn định nguồn tài chính và kiểm soát quỹ BHYT. Đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi người bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam là một vấn đề mới, khó thực hiện.

L.A

Mỗi tháng, hộ gia đình chi hơn 320.000 đồng cho chi phí y tế

Đó là thông tin tại Hội nghị khoa học Y tế Công cộng toàn quốc diễn ra ngày 25/4 tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng, nghiên cứu về gánh nặng chi phí y tế từ tiền túi người dân trong giai đoạn 1992-2014, cho thấy: Chi phí y tế ở Việt Nam liên tục tăng và đạt 190.000 tỷ đồng vào năm 2012, trong đó tổng chi phí công cho y tế tăng từ hơn 5% GDP năm 1995 lên gần 7% GDP hiện nay. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình vẫn chiếm tới 54,8%, cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và cao gấp 3 lần trung bình thế giới. Mỗi hộ gia đình Việt Nam tốn 16 USD/tháng cho chi phí y tế, chưa kể ăn uống, đi lại. Mức chi phí này khiến khoảng 400.000 hộ gia đình bị nghèo hóa sau khi chi trả chi phí y tế.

H.N.M

Mức phạt chậm đóng, truy đóng BHXH, BHYT sẽ cao hơn năm 2015

Theo BHXH TP HCM, căn cứ các quy định trên, đầu năm 2016, BHXH Việt Nam đã công bố mức lãi suất chậm đóng BHYT là 6,5%/năm x 2 = 13%/năm, tương ứng là 1.083%/tháng; lãi suất trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là 6,39%/năm x 2 = 12,78%/năm, tương ứng là 1,065%/tháng.

So với lãi suất vay ngân hàng hiện nay, mức lãi suất chậm đóng, trốn đóng của quỹ BHXH, BHTN và BHYT này khá cao. Đơn cử, mức lãi phạt chậm nộp gần gấp đôi lãi suất vay ngân hàng. Cụ thể như VietinBank lãi suất vay chỉ 7%/năm; BIDV lãi suất vay 7,2%/năm; VietcomBank lãi suất vay 7,5%/ năm…Mức lãi suất phạt chậm nộp được quy định rõ tại Luật BHYT, Luật BHXH, các nghị định và thông tư cũng hướng dẫn rất cụ thể. Cơ quan BHXH TP HCM đã có Văn bản số 619/TB-BHXH ngày 8-3-2016 thông báo về việc điều chỉnh lãi suất chậm đóng, truy đóng BHXH, BHYT. Theo đại diện BHXH TPHCM, trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Đ.D

Quỹ Bảo hiểm xã hội có 5 hình thức đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư. Hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên: 1- Mua trái phiếu Chính phủ; 2- Cho ngân sách nhà nước vay; 3- Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 4- Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành; 5- Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 ở trên chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN; số tiền đầu tư vào hai hình thức này không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.

Q.L