Cơ hội cải thiện năng suất đang vuột mất
Theo PGS-TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, cơ hội cải thiện năng suất lao động của Việt Nam đang dần qua đi.
Ảnh minh họa
Ông nhìn nhận thế nào về năng suất lao động hiện nay của Việt Nam?
Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, năng suất lao động (được tính bằng giá trị gia tăng) bình quân giảm dần theo nhóm tuổi, đặc biệt là khi bước vào độ tuổi từ 61 trở lên.
Hiện nay, nhóm lao động trẻ có năng suất cao nhất và đóng góp gần 50% thay đổi về năng suất lao động chung của các ngành. Song tỷ trọng của nhóm này đang giảm nhanh nhất trong lực lượng lao động. Trong giai đoạn 2010-2012, tỷ trọng nhóm này trong các ngành giảm từ 44% xuống 39%, do sự thay đổi về cơ cấu tuổi, dân số trong những năm gần đây. Cùng lúc đó, chúng ta lại gặp phải vấn đề thất nghiệp thanh niên tăng lên, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng năng suất lao động.
Vấn đề thay đổi cơ cấu tuổi, dân số là yếu tố chính ảnh hưởng tới năng suất lao động của Việt Nam, thưa ông?
Không hẳn chỉ là do cơ cấu tuổi, ở đây cần hiểu theo nhiều chiều cạnh. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội vì dân số trong độ tuổi lao động vẫn chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Song vấn đề là cần lưu ý tới sự bất cân đối trong cung cầu trên thị trường lao động. Ở đây là các chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Thứ nữa là chênh lệch về mặt kỹ năng, đào tạo không phù hợp nhu cầu nhà tuyển dụng, nên có được đào tạo nhưng vẫn không được sử dụng.
Điều này đòi hỏi các chính sách định hướng phát triển kinh tế cần xác định rõ lấy ngành gì là chủ đạo, từ đó quay ngược trở lại để xem khoảng trống nhân lực như thế nào. Việt Nam nhờ những nỗ lực trong chính sách dân số nên tỷ suất sinh đang có xu hướng giảm, điều này là rất thành công. Nhưng sau đó là lo lắng lớn vì nếu không kịp thời cải thiện thì dân số già hoá rất nhanh, kéo theo đó là cơ hội cũng qua đi.
Đó sẽ là rào cản để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình?
Chúng ta mới bước vào mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Nếu theo chuẩn của các nhà nghiên cứu, 28 năm không thoát khỏi mức thu nhập trung bình là rơi vào bẫy thì phải tới năm 2036 mới là thời điểm phù hợp để đánh giá Việt Nam có rơi vào bẫy hay không. So với Thái Lan, ta hơn họ ở chỗ mở cửa hội nhập, giao lưu kinh tế rất mạnh, cho nên khả năng thay đổi chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đào tạo, rồi chăm sóc sức khoẻ người lao động, chắc chắn sẽ làm tốt hơn họ. Cái này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào định hướng chính sách.
Tôi cho rằng, nhân lực Việt Nam ở tầm chất lượng cao không thiếu, nhưng ở tầm giữa, chiếm tỷ lệ lớn là không cân đối giữa cung và cầu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nói Việt Nam năng suất bằng 1/15 Singapore, theo tôi là chưa đủ cơ sở. Bởi lực lượng lao động Việt Nam đến 60-70% vẫn là ở nông thôn, nơi công nghệ kém phát triển nên năng suất lao động thấp. Khi cộng lại cả một khối lượng lớn lao động như vậy trong nền kinh tế thì nó sẽ kéo năng suất lao động chung giảm xuống.
Tuy nhiên, một số ngành như điện, gas, khí đốt, dịch vụ ngân hàng… theo nghiên cứu của chúng tôi, có tốc độ phát triển tốt không kém gì các nước trong khu vực. Do đó, quan trọng là phải có chính sách phù hợp để kéo năng suất của các ngành đang kém phát triển trong nền kinh tế lên.
Theo Thời Báo Ngân hàng