Khiếm khuyết từ giáo dục đào tạo làm năng suất lao động đạt thấp
Trong giáo dục, chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng và kiến thức cứng, kỹ năng và kiến thức mềm không được coi trọng, điều đó đã làm năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam đạt thấp.
TS. Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, năng suất lao động thấp có khiếm khuyết từ giáo dục và đào tạo. Ảnh: N. N
Đó là nhận định của TS. Đặng Thị Thu Hoài – Phó trưởng ban chính sách dịch vụ công – Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong trả lời PV mới đây về NSLĐ do Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra mới đây.
TS. Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, các kết quả công bố của ILO vừa qua trong giới nghiên cứu kinh tế nói chung không ngạc nhiên bởi vì các nghiên cứu và phân tích của CIEM về thực trạng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.
NSLĐ thấp đồng nghĩa với việc cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều đó cũng cho chúng ta thấy mô hình tăng trưởng thời gian qua đã đến giới hạn và cần có các bước thay đổi tiếp theo.
Vì báo cáo NSLĐ Việt Nam đạt thấp và thấp hơn nhiều nước trong khu vực đã làm công chúng nhiều người ngạc nhiên. Thậm chí công chúng còn bức xúc với con số được công bố. Không ít người bức xúc rằng, NSLĐ Việt Nam quá thấp trong khi đó người lao động lại có năng lực không hề kém, năng suất cá nhân không hề kém so với người lao động các nước khác.
Đây là cách hiểu lầm của người dân về ý nghĩa của các chỉ số liên quan đến NSLĐ. Ý nghĩa của các chỉ số này chỉ thể hiện một phần NSLĐ của cá nhân và một phần rất lớn khác là yếu tố đóng góp của cơ cấu kinh tế và hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Vậy theo bà, làm cách nào để nâng cao hơn nữa NSLĐ của Việt Nam?
Nâng cao NSLĐ là mục tiêu chúng ta cần hướng tới và trong dài hạn nó là mục tiêu duy nhất để chúng ta nâng cao mức sống dân cư. Việc tăng năng suất kể cả trong giai đoạn này là mục tiêu cần hướng tới. Để tăng NSLĐ, cần đẩy mạnh hơn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ sử dụng chủ yếu nguồn lực đầu vào như lao động và vốn. Chuyển sang đổi mới công nghệ, dựa vào nâng cao kỹ năng của người lao động.
Công bố của ILO là khẳng định chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự sáng tạo, hiện thực hóa chính sách, định hướng đặt ra, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Từ sự cố hàng không mới lộ ra một thực tế, chỉ có 40% nhân viên hàng không có đủ năng lực, đây là biểu hiện của lao động Việt Nam không chỉ trong nông nghiệp năng suất thấp, mà kể cả ngành nhiều kỹ năng, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn cao như hàng không cũng đang gặp phải nhiều vấn đề, phải chăng tuyển dụng không có chọn lọc kỹ càng?
Để đánh giá được NSLĐ từng ngành thấp hay cao, chúng ta phải so sánh với những nước khác. Việc so sánh đó cần phải rất cụ thể và đo lường cẩn trọng trong quá trình so sánh.
Sự cố vừa rồi trong lĩnh vực hàng không, phải khẳng định rằng, suất phát từ lý thuyết chung, năng suất lao động của các ngành và của nền kinh tế bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố người lao động và chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng NSLĐ của Việt Nam.
Kể cả chúng ta có đầu tư vốn nhiều, máy móc hiện đại nhưng người lao động có trình độ chưa phù hợp thì NSLĐ cũng không thể cao lên được.
Sự cố hàng không vừa qua một lần nữa khẳng định, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực đúng người, đúng việc, đó là điểm quan trọng cần chú trọng và đổi mới, để nâng cao NSLĐ từng ngành, từng doanh nghiệp.
Việt Nam thiếu mô hình tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản và cần học tập, áp dụng mô hình đó để nâng cao NSLĐ, bà có quan điểm gì vấn đề này?
Nếu nói về mô hình, nó phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ phát triển của mỗi nước, xuất phát điểm mỗi nước và giai đoạn của mỗi nước như thế nào, khác nhau thì sử dụng các mô hình khác nhau.
Ví dụ như tại Singapore, những năm 60, 70, họ sử dụng mô hình chủ yếu tăng trưởng được thúc đẩy bởi các nguồn lực đầu vào, nguồn lao động, số lượng lao động, sử dụng nhiều lao động và sử dụng nhiều vốn.
Tuy nhiên, khi đến giai đoạn những năm 80, động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nguồn lực, động lực nói trên đã hết, đã giới hạn và họ phải chuyển đổi sang mô hình mới là nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ làm động lực chính cho tăng trưởng.
Việc sử dụng mô hình nào, phụ thuộc rất lớn vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước.
Nhân lực ở Việt Nam làm việc ở trong các nhà máy nước ngoài, chỉ làm một công đoạn, một phần việc rất nhỏ, không có giao lưu phù hợp để có kỹ năng mềm trong khi đó, để có năng suất chất lượng tay nghề lao động lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bà nghĩ gì về vấn đề này?
Theo tôi, không có sự mâu thuẫn ở đây mà đó là cách hiểu rộng rãi, cách hiểu phù hợp hơn về những yếu tố tác động đến NSLĐ. Thực tế đó là biểu hiện khuyến khuyết của chúng ta trong việc đào tạo quá trú trọng đến kỹ năng cứng. Chỉ coi trọng việc đào tạo cách làm toán, làm tiếng Việt. Tuy nhiên, để lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thì ngoài kỹ năng, kiến thức cứng đó, cần rất nhiều kỹ năng mềm.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, lao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm, trong khi các kỹ năng này rất quan trọng. Điều này là khiếm khuyết của hệ thống giáo dục đào tạo, cần phải được đổi mới và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt là cần thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nước ta trong thời gian tới.
Theo Báo Chất lượng Việt nam