Từ 2018-2019:

Cà Mau đưa hơn 400 lao đông đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

(Dân trí) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, từ năm 2018 đến gần cuối tháng 10/2019, tỉnh đã xuất khẩu lao động là 435 người.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, trong năm 2019, tính từ đầu năm đến gần cuối tháng 10/2019, số lao động đã tham gia XKLĐ là 242 người.

Trong đó, Nhật Bản: 142, Đài Loan: 51, Hàn Quốc: 11, Arapxeut: 3, du học hệ vừa học vừa làm: 35.

Số lao động có nhu cầu và được vay vốn là 63 người (12 người thuộc diện chính sách) với tổng số tiền giải ngân hơn 6,1 tỷ đồng/12 tỷ đồng.

Trung tâm dịch vụ việc làm Cà Mau đã thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ lao động học ngoại ngữ, giáo dục định hướng ban đầu là 62 người, với tổng số tiền hơn 298 triệu đồng.

Cà Mau đưa hơn 400 lao đông đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng  - 1

Cà Mau đang triển khai đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020. (Ảnh: CTV)

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, theo đề án đưa lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020, trước khi xuất cảnh, người lao động phải qua khóa học giáo dục định hướng ban đầu với thời gian từ 4 - 6 tháng.

Trong quá trình học tại công ty, lao động được gọi phỏng vấn, nếu đạt thì cũng phải tiếp tục học đủ thời gian quy định. Nếu không đạt thì vẫn theo học bình thường và được gọi phỏng vấn đơn hàng lần sau đến khi lao động đậu phỏng vấn.

Kết thúc khóa học, lao động được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu theo chứng từ thực tế, nhưng tối đa không quá 13,8 triệu đồng/người, do Trung tâm dịch vụ việc làm Cà Mau chi trả.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương không được bảo lãnh cho người lao động vay vốn tại ngân hàng để đi xuất khẩu lao động.

Vấn đề này đã gây khó khăn đối với đơn vị thực hiện từ khi triển khai đề án (tháng 5/2018 đến tháng 4/2019).

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, việc này được tỉnh tháo gỡ trước mắt bằng hình thức tỉnh xuất ngân sách địa phương chuyển ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho lao động được vay vốn 100% làm chi phí trước khi xuất cảnh.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ trình HĐND ban hành một nghị quyết chính sách đặc thù về kinh phí cho lao động ngoài diện chính sách để vay đi xuất khẩu lao động.

Một vấn đề đặt ra nữa là tỉnh Cà Mau chưa đưa lao động tham gia XKLĐ trong lĩnh vực công nghệ cao. Đánh giá của đại diện Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, tỉnh rất quan tâm đối với loại hình lao động công nghệ cao.

Nhưng đến nay chưa tìm thị trường, đối tác nước ngoài phù hợp với điều kiện, sức khỏe, môi trường làm việc đối với người Cà Mau để ký kết bản ghi nhớ về cung ứng lao động theo loại hình thời vụ này.

Huỳnh Hải