Tỉnh Đồng Tháp có số người tham gia XKLĐ đông nhất khu vực ĐBSCL
(Dân trí) - Ngày 29/11 tại tỉnh Vĩnh Long, Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở các tỉnh ĐBSCL”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên toàn quốc.
Theo báo cáo của Cục quản lý Lao động ngoài nước, năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Đến tháng 10/2019, cả nước có 132.802 lao động ở nước ngoài (trong đó có 45.340 lao động nữ), vượt 10% chỉ tiêu đề ra, trong đó: Thị trường thu hút nhiều lao động nhất là Nhật Bản với trên 71.000 lao động, tiếp đến là Đài Loan với gần 50.000 lao động, còn lại là lao động làm việc ở các nước như Hàn Quốc, Ả rập - Xê út, Rumani, MaLaysia, An-Giê-ria, Ma Cao...
Từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 10/2019, toàn vùng ĐBSCL có tổng cộng 7.953 người làm việc ở nước ngoài chiếm khoảng 5,6% só với cả nước.
Tỉnh Đồng Tháp đứng đầu về số người tham gia XKLĐ: 1.685 lao động, tiếp đến là Bến Tre với 1.531 lao động, đứng thứ 3 là Vĩnh Long với 1.323 lao động.
Trong đó thị trường Nhật Bản vẫn là thị trường thu hút lao động đông nhất với 5.355 lao động.
Về doanh nghiệp XKLĐ ở ĐBSCL, duy nhất một doanh nghiệp có trụ sở chính tại tỉnh An Giang, còn lại là khoảng 50 chi nhánh và văn phòng đại diện của các doanh nghiệp tại ĐBSCL thực hiện việc tư vấn và tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận về nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ XKLĐ ở ĐBSCL thấp so với bình quân cả nước, như: Ý thức của người dân về XKLĐ chưa cao; họ chưa hiểu được ý nghĩ việc XKLĐ sẽ mang về cho gia đình và địa phương được những gì; ý thức và thái độ làm việc của người lao động chưa đạt so với yêu cầu; chi phí đào tạo ngoại ngữ còn cao; công tác tuyên truyền ở các địa phương chưa hiệu quả,…
Nói về nguyên nhân này, ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Trà Vinh cho biết, nguyên nhân một phần do mức hỗ trợ vay vốn đối với người XKLĐ chưa phù hợp, việc giải ngân vốn hỗ trợ cho người vay XKLĐ chưa hợp lý.
“Nên thành lập cơ chế đặc thù cho người vay XKLĐ và thành lập các hội thảo có đủ các ngành liên quan, doanh nghiệp để có chính sách phù hợp hơn” – ông Ngọc nói.
Còn ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở LĐTB&XH Vĩnh Long, một trong các tỉnh có tỷ lệ XKLĐ cao ở khu vực ĐBSCL cho biết, việc XKLĐ được đưa vào chỉ tiêu tiêu của tỉnh và giao cụ thể về cho từng địa phương, còn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến Vĩnh Long luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận tuyên truyền, tư vấn XKLĐ nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật.
Tại hội nghị đại diện các doanh nghiêp XKLĐ trong cả nước cũng nêu ra các vướng mắc cũng như những thuận lợi về cơ chế của địa phương để hội nghị xem xét tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho XKLĐ trong thời gian tới.
Ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác XKLĐ ở ĐBSCL, nơi có nguồn cung lao động dồi dào như: Ý thức của người dân về XKLĐ chưa cao, chính quyền một số địa phương vẫn chưa quyết liệt trong công tác này, công tác tuyên truyền XKLĐ chưa hiệu quả dẫn đến việc người dân chưa hiểu hết được lợi ích của XKLĐ, chính sách hỗ trợ người đi XKLĐ chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp XKLĐ, còn nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo XKLĐ, khiến người dân mất niềm tin vào công tác này nên cần tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp XKLĐ.
“Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức về XKLĐ, tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các doanh nghiệp chưa được cấp phép XKLĐ hoạt động tại địa phương, bố trí ngân sách và hỗ trợ thủ tục cho người dân tham gia XKLĐ, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp XKLĐ thu phí đào tạo có đúng theo quy định...” - ông Tống Hải Nam cho biết.
Lan Anh