Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Nếu phát hiện doanh nghiệp XKLĐ nào vi phạm, xin báo ngay cho Bộ""
(Dân trí) - "Phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào vi phạm, bất kể là doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước, xin thông báo ngay cho Bộ. Cục Quản lý lao động ngoài nước nếu có thông báo danh sách doanh nghiệp vi phạm, cũng cần thanh tra ngay trong tháng 12".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam xung quanh vấn đề đưa thực tập sinh và lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, học tập, sáng 13/12, tại Hà Nội.
Cũng tại buổi tiếp, ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản, đã gửi lời cảm ơn tới ngành LĐ-TB&XH trong công tác phái cử lao động Việt Nam tới Nhật bản học tập và làm việc thời gian qua, từ đó góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về tình trạng già hóa tại Nhật Bản.
“Tuy nhiên, tình trạng thực tập sinh, lưu học sinh và lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của Nhật Bản còn nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do những lao động và thực tập sinh phải mang theo những gánh nặng nợ nần lớn khi tới nước Nhật. Trong khi đó, các công ty môi giới lao động đã thu khoản phí cao khiến người lao động phải chịu áp lực, gánh nặng kinh tế…” - ông Umeda Kunio cho biết.
Đề xuất một số giải pháp để hạn chế tình trạng trên, Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh nhiều biện pháp: Triệt để loại bỏ sự tham gia của trung gian môi giới ở cả 2 phía Việt Nam và Nhật Bản, bỏ chế độ thiết đãi với các đoàn thể quản lý của Nhật trong quan hệ hợp tác về nhân lực với Việt Nam.
Đồng tình với các ý kiến của Đại sứ Nhật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra, xử lý và thu hồi giấy phép hoạt động của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Thậm chí, một số doanh nghiệp hoạt động trá hình còn bị khởi tố.
"Pháp luật Việt Nam quy định, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến con người. Do đó, quá trình cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được thực hiện rất chặt chẽ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
“Phát hiện được doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào vi phạm, bất kể là doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp Việt Nam, xin hãy thông báo cho Bộ. Cục Quản lý lao động ngoài nước nếu đã được thông báo danh sách doanh nghiệp vi phạm, cần cho thanh tra toàn bộ những doanh nghiệp đó ngay trong tháng 12 này”- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý công tác đưa lao động theo hướng chặt chẽ và quyết liệt hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, "gốc" của vấn đề là phải sửa luật pháp liên quan.
Dự kiến đến năm 2020, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ soạn thảo Dự án sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ trưởng cho rằng, việc bỏ trốn và vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại Nhật tập trung chủ yếu ở số lượng du học sinh thông qua hình thức du lịch.
Do vậy, Đại sứ quán Nhật cần nghiên cứu và cân nhắc việc hỗ trợ visa đặc định trong thời gian tới đây.
“Về vấn đề lao động kỹ thuật cao, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH sau khi thanh tra một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện: Doanh nghiệp của Nhật kinh doanh tại Việt Nam đã vi phạm pháp luật khi thu phí 3 tháng lương cơ bản/người lao động”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Đồng tình với quan điểm triệt để loại bỏ trung gian và thiết đãi đoàn thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ giao cho các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm chống tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng website nhằm công khai danh sách 400 doanh nghiệp đã và đang đưa lao động đi làm việc tại Nhật với đầy đủ thông tin về thành tích thực tế đã phái cử đi bao nhiêu, chi phí như thế nào… tới người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Ngọc Hân